Đảm bảo an toàn cho học sinh khi tránh bão tại trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ 12 giờ ngày 27-9, học sinh trên toàn tỉnh Gia Lai bắt đầu nghỉ học đến hết ngày 28-9 để phòng tránh bão số 4. Do điều kiện đặc thù, một số trường dân tộc nội trú đã chủ động báo cáo với ngành, chính quyền địa phương và phụ huynh cho học sinh tránh bão tại trường; đồng thời, tập trung triển khai phương án đảm bảo an toàn phòng-chống bão.

Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT về việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão Noru, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh (TP. Pleiku) đã khẩn trương thông báo, lấy ý kiến của phụ huynh và nhận được sự thống nhất cho học sinh ở lại trường trong thời gian nghỉ học; cùng với đó, thành lập tổ ứng phó với bão số 4 và phân công cán bộ quản lý, giáo viên trực tại trường trong thời gian này để xử lý kịp thời các tình huống do mưa bão gây ra.

Thầy Hoàng Bình Châu-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh (thứ 4 từ trái sang) hướng dẫn học sinh các biện pháp đảm bảo an toàn khi mưa bão. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Hoàng Bình Châu-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh (thứ 4 từ trái sang) hướng dẫn học sinh các biện pháp đảm bảo an toàn khi mưa bão tại khu nội trú. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Trước 12 giờ trưa 27-9, nhà trường đã tập trung học sinh toàn trường để hướng dẫn các biện pháp phòng-chống bão; yêu cầu các em không ra khỏi phòng ở ký túc xá trong thời gian mưa bão để phòng tránh tai nạn, thương tích. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận y tế trực 24/24 tại trường để xử lý tình huống khi có học sinh ốm đau, tai nạn, thương tích và có kế hoạch phòng-chống các dịch bệnh do mưa bão gây ra; chỉ đạo tổ chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh có phương án phục vụ ăn uống cho các em, bảo quản kho gạo và đảm bảo an toàn lao động tại bếp ăn tập thể.

“Nhân viên bảo vệ của trường cũng sẽ trực 24/24; kiểm tra và hướng dẫn học sinh chốt tất cả cửa trên lớp học để tránh mưa tạt vào lớp và gió giật làm vỡ kính; tắt nguồn điện các thiết bị trên lớp học. Giáo viên, nhân viên phụ trách kiểm tra các phòng chứa hồ sơ, tài liệu, thư viện, các phòng thí nghiệm, thực hành, thiết bị và có phương án bảo quản không để bị ướt, hư hỏng tài liệu, sách, đồ dùng, thiết bị... Ngoài ra, Nhà trường còn chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp hướng dẫn học sinh vệ sinh trường, lớp sau khi bão tan để nhanh chóng ổn định việc ăn ở của học sinh và hoạt động dạy học”-thầy Nguyên thông tin thêm.

Em Siu Quỳnh Anh (bìa trái)-lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tự học cùng bạn tại phòng ở nội trú trong thời gian nghỉ học phòng tránh bão số 4. Ảnh: Mộc Trà
Em Siu Quỳnh Anh (bìa trái)-lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh học cùng bạn tại phòng ở nội trú trong thời gian nghỉ học phòng tránh bão số 4. Ảnh: Mộc Trà

Em Siu Quỳnh Anh (lớp 12A) chia sẻ: “Em có theo dõi thông tin về bão số 4 và được biết, cơn bão này có cường độ rất mạnh. Vì vậy, khi được nhà trường thông báo nghỉ học tại trường, em cũng phần nào an tâm không phải di chuyển hàng chục cây số về nhà ở huyện Chư Prông. Thời gian này, em sẽ thực hiện nghiêm khuyến cáo của nhà trường và dành thời gian ôn bài, tự học cùng với các bạn tại phòng ở nội trú. Mong rằng cơn bão qua nhanh và không gây nhiều thiệt hại về người và tài sản”.

Đồng tâm trạng, em Nguyễn Thị Mai Ly (lớp 9A, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh) bày tỏ: Nhà em ở làng Tai Per (xã Ia Hla), cách trường khoảng 30 km; đường về nhà mùa mưa cũng rất khó khăn. Được tránh bão tại trường trong thời gian nghỉ học, em và các bạn cảm thấy an toàn hơn. Nhà trường cũng phân công các thầy-cô ở cùng chúng em và đảm bảo các bữa ăn, chỗ ở an toàn. Chiều nay, chúng em đã tham gia cùng với thầy-cô che chắn, giằng cột chắc chắn các cửa phòng, mái che... của các công trình phụ trong trường”.

Giáo viên cùng học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh cột giữ mái che của nhà vệ sinh học sinh để tránh gió bão làm tốc mái. Ảnh: Mộc Trà
Giáo viên cùng học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh cột giữ mái che của nhà vệ sinh học sinh để tránh gió bão làm tốc mái. Ảnh: Mộc Trà

Theo thầy Trần Thanh Bình-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh, thể theo nguyện vọng của đa số phụ huynh, nhà trường đã tổ chức cho 300 học sinh 9 lớp nghỉ học và ở tại trường. Học sinh sẽ sinh hoạt, tự học trong 39 phòng ký túc xá và có giáo viên trực 24/24 để thường xuyên nhắc nhở, không cho các em đi ra ngoài, trừ lúc xuống nhà ăn nhằm đảm bảo an toàn khi trời mưa bão. Nhà trường cũng đã khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị... để giảm bớt thiệt hại khi bão đổ bộ vào.

Tương tự, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) cũng giữ toàn bộ học sinh ở lại trường. “Trưa 27-9, Ban Giám hiệu đã tổ chức họp, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn cho học sinh lớp mình sau khi ăn cơm thì về lại phòng; không lên lớp tự học và sinh hoạt bên ngoài phạm vi phòng ở. Tất cả phòng học, trang thiết bị dạy học, máy tính, tài liệu... đều được che chắn kỹ càng; bàn ghế cũng được xếp vào giữa phòng để tránh hư hỏng do ngấm nước mưa. Đến cuối giờ chiều nay, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Noru của trường đã cơ bản hoàn tất”-Hiệu trưởng Hà Hữu Phúc cho hay.

Các thiết bị, máy tính tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai được che chắn kỹ càng để tránh hư hỏng do mưa bão. Ảnh: Mộc Trà
Các thiết bị, máy tính tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai được che chắn kỹ để tránh hư hỏng do mưa bão. Ảnh: Mộc Trà
Tại Công văn hỏa tốc số 2514/SGDĐT-VP ban hành sáng 27-9 về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng-chống bão số 4, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phải chủ động báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với cha mẹ học sinh để có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường trong trường hợp học sinh nghỉ học tại trường, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm