Xã hội

Gia đình

Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác đảm bảo an toàn, phòng tránh thương tích cho trẻ mầm non luôn được các cơ sở giáo dục bậc học này quan tâm hàng đầu bởi ý thức tự bảo vệ bản thân của các em chưa được hình thành đầy đủ.

Trường Mầm non Hoa Hồng trải thảm cỏ ở khu vui chơi để hạn chế thương tích cho trẻ. Ảnh: N.G

Sự việc một cháu bé hơn 2 tuổi ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị ngã từ cửa sổ tầng 2 trường học xuống sân xi măng ngày 15-5 vừa qua một lần nữa cảnh báo nguy cơ tai nạn thương tích cho học sinh trong các trường Mầm non. Được biết, cháu bé này ngã xuống từ khe cửa sổ rất hẹp-nơi mà không ai nghĩ rằng sẽ gây nguy hại đến các cháu. Rất may tai nạn này chỉ khiến cháu bé bị trầy xước ngoài da và ảnh hưởng một chút đến tâm lý của bé. Nguy cơ trẻ mầm non gặp tai nạn trong trường học luôn tiềm ẩn nên việc thường xuyên kiểm tra để đảm bảo một môi trường học tập, vui chơi an toàn cho trẻ là hết sức cần thiết.

Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, cho biết: “Sở Giáo dục-Đào tạo vẫn thường xuyên có công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non đặc biệt chú trọng tới công tác phòng-chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra công tác này để kịp thời chấn chỉnh những đơn vị còn thiếu sót, yêu cầu khắc phục ngay, không để những tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ. Nhờ đó mà trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay, trong trường Mầm non chưa xảy ra vụ tai nạn nào gây nguy hại đến trẻ”.

Cũng theo bà Nghi, công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non giữ vai trò hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố để tạo lòng tin đối với phụ huynh. Do đó, cơ sở giáo dục mầm non nào không thường xuyên kiểm tra, loại bỏ những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ thì đơn vị đó đang tự đánh mất uy tín của mình. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết theo đúng quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thực hiện đúng các nội quy, quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức ăn bán trú cần thực hiện tốt quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”-bà Nghi cho biết thêm.

Vấn đề phòng-chống thương tích cho trẻ trong trường Mầm non đặc biệt được lưu ý ở các cơ sở giáo dục có nhà tầng-nơi có khá nhiều nguy cơ mất an toàn từ hệ thống cửa sổ, lan can, cầu thang... Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các trường trên địa bàn tỉnh đã tiến hành lắp lưới chắn hoặc thanh chắn ở các lan can, vượt xa tầm với của trẻ để tránh tình trạng các bé leo trèo. Cửa sổ tầng cao được lựa chọn thiết kế thanh sắt dày, đảm bảo trẻ không thể chui qua. Khi lên xuống cầu thang, trẻ được các cô giáo giám sát kỹ, dạy trẻ xếp hàng, để tay sau lưng, đi theo thứ tự và tuyệt đối không được nô đùa, xô đẩy nhau.

“Ngoài những biện pháp trên thì trường chúng tôi còn tiến hành trải thảm cỏ nhân tạo tất cả các khu vui chơi, hoạt động ngoài trời mang tính chất vận động để đảm bảo trẻ không bị va đập, trầy xước khi tiếp xúc với nền gạch, xi măng. Đồ dùng, đồ chơi của trẻ cũng thường xuyên được kiểm tra ốc, vít, độ bền để kịp thời sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ”-cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) nói.

Bên cạnh những giải pháp liên quan đến cơ sở vật chất thì sự an toàn của trẻ mầm non phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm và tình yêu đối với trẻ của đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục. Do đó, cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tình yêu thương với trẻ và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại đến thân thể, sức khỏe và tinh thần của trẻ.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm