Đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão tại Gia Lai: Nhiệm vụ bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2020, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị triển khai sửa chữa, nâng cấp và thực hiện nghiêm túc công tác quản lý theo đúng quy định của Chính phủ.



Duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 150 hồ thủy lợi và hồ thủy điện, trong đó có 114 hồ thủy lợi đang vận hành khai thác phục vụ sản xuất. Cụ thể, 74 hồ chứa nước do Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh và UBND huyện, xã quản lý; 39 hồ do các công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý; 1 hồ do Ban Quản lý xây dựng thủy lợi 8 thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Ngoài ra, còn có 4 hồ thủy lợi đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào cuối năm 2020 là: Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh), Ia Rtô (thị xã Ayun Pa), Ia Púch (huyện Chư Prông), Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ).

 Công tác đảm bảo an toàn cho hồ thủy lợi Ayun Hạ luôn được đề cao trong mùa mưa bão. Ảnh: THÙY CHI
Công tác đảm bảo an toàn cho hồ thủy lợi Ayun Hạ luôn được đề cao trong mùa mưa bão. Ảnh: Thùy Chi


Những năm qua, các hồ chứa nước đã góp phần không nhỏ trong việc điều tiết, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp. Điều đáng nói là đã từng xảy ra vụ vỡ đập khiến người dân điêu đứng. Tại huyện Đức Cơ, trong 2 năm liên tiếp (2013 và 2014), đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom) bị vỡ gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của P.V, phần mái đập của hồ thủy lợi Ia Năng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) và hồ thủy lợi Hoàng Ân (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) có nhiều cây bụi mọc chưa được phát dọn, trong đó có những cây mọc cao hơn đầu người.

Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-xác nhận: “Tại nhiều công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, cây cối mọc dày trên mái đập và hành lang thoát lũ. Một số hồ còn có tình trạng trồng cây lâu năm hoặc đào ao lấy nước trong phạm vi công trình. Hầu hết các hồ thủy lợi nhỏ chưa lập, phê duyệt quy trình vận hành; phương án bảo vệ công trình; phương án ứng phó tình huống khẩn cấp cũng chưa được thực hiện”.

Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, các địa phương và chủ hồ đập cũng đã triển khai sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa 2020 và những năm tiếp theo. Đơn cử như việc Công ty Cà phê 705 (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) triển khai sửa chữa hồ thủy lợi đội 4 để khắc phục tình trạng mùa mưa nước chảy tràn làm ngập hoa màu, nhà cửa của vùng hạ du.

“Chúng tôi vừa tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại hồ thủy lợi đội 4. Công ty 705 đã sửa chữa xong những chỗ hư hỏng giúp cho người dân vùng hạ du của hồ yên tâm canh tác, sinh sống”-ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm, tỉnh đang triển khai sửa chữa, nâng cấp 8 hồ thủy lợi với tổng kinh phí khoảng 127 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp 8 hồ chứa này. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đang đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp 7 hồ thủy lợi khác.

Kiểm tra an toàn hồ, đập

Đảm bảo an toàn hồ, đập là nhiệm vụ quan trọng và gắn liền với công tác phòng-chống bão lụt. Ngay từ đầu năm, UBND các cấp đã tổ chức họp để kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; dự kiến lực lượng xung kích; rà soát phương tiện và xác định nơi xung yếu; dự trữ cơ số thuốc và bố trí giường bệnh tại các bệnh viện đề phòng xảy ra sự cố.

Mực nước ở hồ thủy lợi Tiên Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) còn ở mức thấp do lượng mưa ít. Ảnh: N.T
Mực nước ở hồ thủy lợi Tiên Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) còn ở mức thấp do lượng mưa ít. Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên): “Do lượng mưa ít nên mực nước dâng ở các ao hồ, sông suối trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với những năm trước. Dự báo những tháng cuối năm sẽ có 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Bão sẽ đi vào khu vực phía Nam và gây ảnh hưởng cho khu vực Tây Nguyên. Do đó, các chủ hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện cần quan tâm theo dõi dự báo thời tiết để có phương án phù hợp”.

Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin: “Hàng năm, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng-chống bão lụt và kiểm tra hệ thống sông suối, ao hồ, kênh mương thủy lợi được phân cấp quản lý; tổ chức họp để tổng kết, đánh giá công tác phòng-chống thiên tai trong năm và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo”.

Song song với đó, UBND các cấp chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của nhân dân trong công tác phòng-chống thiên tai; nhất là người dân sống dưới lưu vực của các hồ, đập; việc chấp hành chủ trương của Nhà nước về di dời dân vùng bị lũ cô lập, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trang bị phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

 Hồ thủy lợi Ayun Hạ đang được tỉnh đầu tư kinh phí sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống vùng hạ du. Ảnh: Hoành Sơn
Hồ thủy lợi Ayun Hạ đang được tỉnh đầu tư kinh phí sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống vùng hạ du. Ảnh: Hoành Sơn


Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, tỉnh thành lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh. Một đoàn liên ngành đã kết thúc việc kiểm tra từ tháng 4-2020. Theo đó, đoàn đã nhắc nhở đơn vị quản lý hồ, đập khắc phục những tồn tại để đảm bảo an toàn. Dù vậy, đa phần công trình hồ thủy lợi nhỏ không có nguồn thu nên đơn vị quản lý khai thác gặp khó trong việc cân đối kinh phí để thực hiện đầy đủ các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ theo quy định.

“Tiếp đến, từ ngày 11 đến 21-8, đoàn kiểm tra liên ngành thứ 2 sẽ tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập tại 19 địa phương và chủ hồ. Sau khi kết thúc đợt kiểm tra thứ 2, đoàn sẽ có báo cáo UBND tỉnh để có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão này”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  Vũ Ngọc An cho hay.

NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm