Thời sự - Bình luận

Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi chung cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kể từ năm 2025, các em học sinh sẽ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi lớn về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Vì vậy, đây cũng là mối lo lắng của nhiều học sinh sinh năm 2006 nếu chẳng may phải thi lại vào năm sau.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. Ảnh: Đức Thụy

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. Ảnh: Đức Thụy

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Gia Lai có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT chung đạt 97,78%. Con số này giảm 0,55% so với năm 2022. Trong đó, khối THPT chính thức đạt 98,92%; khối Giáo dục thường xuyên đạt 75,54%; khối THPT tự do đạt 42,71%. Nói như vậy để thấy, có thể năm nay, vẫn có thí sinh trượt tốt nghiệp phải thi lại vào năm sau. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ là một trở ngại lớn đối với lứa học sinh vốn đã quen với cách học và thi của chương trình cũ. Cách thi và xét tuyển sinh của các trường cũng có nhiều đổi mới cũng sẽ là rào cản đối với những thí sinh tự do muốn thi và xét tuyển lại đại học vào năm sau.

Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thi tốt nghiệp với 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; chọn 1 trong 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong khi đó, theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt, thí sinh thi 2 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Chương trình học có sự thay đổi cũng khiến nhiều thí sinh băn khoăn không biết mình có cần học lại nội dung các môn của 3 năm THPT hay không. Đặc biệt, đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung sách giáo khoa được coi là “nguồn kiến thức”, là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa đóng vai trò là “học liệu” (không phải là nguồn kiến thức duy nhất), mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Ngoài học theo nội dung, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh còn được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động ngoại khóa để vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Những đổi mới này có ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc và nội dung đề thi.

Để giải tỏa mối lo lắng cho phụ huynh cũng như học sinh theo chương trình cũ, tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-5-2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp trong kỳ thi năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tiết giảm ngân sách nhà nước.

Trước đó, tại buổi họp báo công bố thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tổ chức vào cuối năm ngoái, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có Quy chế xét tuyển vào đại học từ năm 2025. Các trường cũng chưa có thông tin chính thức về phương thức xét tuyển năm 2025. Song theo đánh giá của các chuyên gia, các phương thức xét tuyển riêng như kỳ thi đánh giá năng lực, xét học bạ, xét học bạ kết hợp... sẽ cơ bản giữ ổn định. Điều này vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tự do xét tuyển đại học vào năm 2025.

Có thể bạn quan tâm