Thời sự - Bình luận

Dám thử nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ góc nhìn quản lý, muốn có được chính sách tốt, cần có những cơ chế thử nghiệm (sandbox) táo bạo, đột phá.

Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 28-3, các chuyên gia kinh tế ghi nhận, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, hoàn thiện và tạo lập khuôn khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, các hành động triển khai, hiện thực hóa bằng các chính sách cụ thể, các cơ chế thí điểm thực hiện còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của thực tiễn. Cuộc tranh cãi về mô hình quản lý xe công nghệ (Grab, Uber) mấy năm trước có thể coi là một ví dụ rất điển hình cho việc tư duy quản lý chậm hơn thực tiễn khá xa.

Từ góc nhìn quản lý, muốn có được chính sách tốt, cần có những cơ chế thử nghiệm (sandbox) táo bạo, đột phá. Đáng nói là Việt Nam chưa có hoặc ít có những sandbox như vậy. Theo ông Keith Detros, Giám đốc Chương trình, Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng, trong số khoảng 40 sandboxes đang được thực hiện tại 6 quốc gia Đông Nam Á, tập trung vào các lĩnh vực như: tài chính - ngân hàng, y tế, giao thông, năng lượng, môi trường, công nghệ giáo dục…, Singapore và Malaysia đang dẫn đầu khu vực về số lượng (lần lượt có 11 và 10 sandboxes đang mở). Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt có 8, 4 và 2 sandboxes, trong khi Việt Nam mới đang dự thảo 1 cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech).

Sự thận trọng của cơ quan quản lý có thể xuất phát từ mong muốn bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Vụ việc một nữ lãnh đạo huyện (có hiểu biết, có trình độ) vừa bị lừa mất hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản cho thấy những rủi ro rất lớn trong fintech nói riêng và môi trường số nói chung. Thế nhưng nếu cứ chần chừ, e ngại không dám thử nghiệm cái mới, hậu quả là doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều bị thiệt thòi, không tận dụng được sự ưu việt của công nghệ.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ, đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, năm 2022, tỷ trọng này chỉ đạt 12,8% và năm 2023 lại còn thấp hơn, chỉ 12,3%. Nếu không có biến chuyển đột phá thì mục tiêu phát triển theo nghị quyết rất khó đạt được.

Nhưng phải quản trị những rủi ro trên thị trường như thế nào? Không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng quy định điều chỉnh hoạt động trên môi trường số và tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân mà bản thân doanh nghiệp cũng có vai trò rất lớn khi xây dựng các quy định tự kiểm soát. Tất nhiên, bản thân người dùng cũng cần tự “nâng cấp” mình để thích ứng với kỷ nguyên số.

Bên cạnh công nghệ tài chính, nhiều chuyên gia gợi ý ưu tiên xây dựng sandbox trong lĩnh vực dữ liệu công. Chính các cơ quan nhà nước đang sở hữu kho dữ liệu cực kỳ lớn và đáng tin cậy, nếu có cơ chế khai thác sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Một nghị quyết của Quốc hội hoàn toàn có thể là cánh cửa mở ra kho tàng dữ liệu quý giá, có thể chuyển hóa thành lợi ích kinh tế…

Thật tình cờ, 28-3 cũng là ngày Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc gặp gỡ đoàn đại biểu Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN). Một trong những chủ đề được nhà lãnh đạo Việt Nam chia sẻ với nhà đầu tư nước ngoài chính là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chủ tịch Quốc hội thông tin, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đã có các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thực hiện thí điểm. Nhiều chính sách táo bạo khác cũng đang được Quốc hội xem xét, quyết định…

Đây thực sự là những bước chuyển rất đáng chờ đợi. Dám đi thì mới đến. Dám thử nghiệm, chấp nhận rủi ro thì mới có cơ hội tìm ra con đường đúng nhất, ngắn nhất để trở thành một quốc gia thịnh vượng.

Có thể bạn quan tâm