Thời sự - Bình luận

Kinh tế số tăng trưởng cao và thách thức cần nhận diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kinh tế số của Việt Nam đã có 2 năm liền tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều đó cho thấy đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, tồn tại cần được nhận diện để sớm tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế số phát triển hiệu quả hơn trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo nhằm đạt mục tiêu “đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% GDP” như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường bằng cách sử dụng các đầu vào kỹ thuật số (công nghệ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu).

Kinh tế số góp phần tăng tính hiệu quả của nền kinh tế thông qua việc chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động; kinh doanh thương mại xuyên biên giới; thứ nữa là tăng tính bền vững của nền kinh tế khi sử dụng chủ yếu là dữ liệu, ít sử dụng các nguồn tài nguyên có tính chất vật chất, góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Việc sử dụng nhiều hạ tầng số, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm qua đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

Đạt được tín hiệu tích cực đó là nhờ chúng ta đã nỗ lực tạo dựng hạ tầng kết nối internet ngày càng hoàn thiện, hiện đại. Cùng với đó, sự gia tăng nhanh chóng đến khoảng 150 triệu thuê bao di động, khoảng 57 triệu người đã tham gia mua sắm trực tuyến; lượng khách hàng sử dụng QR Code để thanh toán tăng 183%/năm… góp phần vào tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của kinh tế số.

Thực tế hiện nay cho thấy, khi ra đường hay vào chợ, siêu thị, không nhiều người mang theo nhiều tiền mặt. Mọi giao dịch mua bán chỉ cần một thao tác quét mã QR là xong.

Dù biết rằng sẽ còn nhiều thách thức trong thống kê để có thể nhận diện chính xác giá trị thực tiễn của kinh tế số nhưng thực tế cùng phân tích của giới chuyên gia cho thấy hoạt động này đang và sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho kinh tế nước nhà.

Một dự báo của Google còn cho rằng, đến năm 2030, kinh tế số của Việt Nam đạt doanh thu chỉ xếp sau Indonesia, tương đương 200 tỷ USD. Dù các nước khác có thể bị giảm sức hút đầu tư, kinh tế số của Việt Nam vẫn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước lẫn khối FDI quan tâm rót vốn.

Tuy nhiên, cùng với những nhận định lạc quan về kinh tế số Việt Nam, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm nhận diện và giải quyết những bất cập về bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, thể chế… để kinh tế số phát triển xứng đáng trong thời gian tới, vì đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn.

Tại Diễn đàn chuyển đổi số lần thứ 5 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Phát triển kinh tế số, điều quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Các nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển.

Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu của nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020. Sự năng động, sáng tạo của hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hiện đại hóa đất nước.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như chiến lược đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm.

Bên cạnh những thuận lợi, quyết tâm thì phải tiếp tục phát huy, nhận diện những khó khăn, bất cập để huy động sự chung tay của tất cả các thành phần kinh tế-xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp số để kinh tế số của Việt Nam gia tăng giá trị đích thực. Không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà phải bao gồm giá trị đóng góp thực tế vào GDP, vào sự phát triển bền vững của kinh tế nước nhà.

Có thể bạn quan tâm