Dân khổ vì đường hỏng, cống hư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con đường liên xã nối trung tâm xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) với 4 buôn bên kia suối Chư Tê được bê tông hóa khá kiên cố được đưa vào sử dụng năm 2010, tạo sự thuận lợi trong đi lại và vận chuyển nông sản của người dân.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây con đường gần như bị tê liệt do chiếc cống liên hợp tràn bắc qua suối Chư Tê bị lũ cuốn trôi một phần, khiến cho hơn 600 người của 4 buôn hàng ngày phải mạo hiểm vượt suối để đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ.

 

Các em học sinh phải lội suối đến trường.
Các em học sinh phải lội suối đến trường.

Năm 2009-2010, xã Ia Rsai được đầu tư xây dựng con đường liên xã nối giữa trung tâm xã với 4 buôn gồm: Puh, Chik, Pan, Kinh. Trong đó hạng mục cống liên hợp tràn bắc qua suối Chư Tê với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Pa làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Gia Lai. Chiếc cống này giúp cho người dân thuận tiện qua lại và lưu thông hàng hoá nông sản của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, chiếc cống này còn với mục đích giúp người dân vượt dòng suối Chư Tê khi nước lũ tràn về vào thời điểm mùa mưa.

Tuy nhiên, công trình này chưa đưa vào hoạt động được bao lâu thì đến năm 2014 đã bị lũ cuốn trôi một phần đấu nối, làm chia cắt con đường. Và kể từ khi chiếc cống bị cuốn trôi đến nay, mỗi ngày người dân phải quay lại cảnh vượt suối như trước đây. Tình trạng, người dân đi lại, chở hàng hoá, học sinh đi học mạo hiểm vượt dòng nước lớn hay học sinh nghỉ học vì không thể vượt vì nước lũ quá lớn là chuyện thường gặp trong mùa mưa bão.

 

Con đường bị chia cắt khoảng 2 năm nay do cống liên hợp tràn bị nước cuốn trôi một phần.
Con đường bị chia cắt khoảng 2 năm nay do cống liên hợp tràn bị nước cuốn trôi một phần.

Ông Nay Măk (56 tuổi) điều khiển chiếc xe máy độ chế chở một bó củi di chuyển theo hướng từ trung tâm xã Ia Rsai về nhà ở buôn Puh sau khi lên rẫy. Khi đến đoạn đường ngay cống bị hư, ông Măk phải rất khó khăn mới chạy xe qua được con suối, lởm chởm đá. “Cái cống này bị hư lâu rồi, hàng ngày dân làng mình phải vất vả lội suối để đi lại và vận chuyển nông sản. Nhiều trường hợp bị té ngã khi chạy xe qua suối do vất phải đá. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, nước lớn thì càng khó khăn và nguy hiểm khi đi qua đây, nhiều hôm nước lớn quá thì coi như bị cô lập với bên ngoài, mấy cháu trong buôn phải nghĩ học”. Em Nay Nam (học sinh lớp 8, ở buôn Pan), cho biết: “Từ khi công bị hưng, hàng ngày em phải lội suối để đến trường, rất vất vả và ướt át. Nhất là vào những lúc trời mưa, nước suối dâng lên, chảy xiết thì em sợ lắm, đành nghĩ học chờ cho đến khi nước xuống”.
 

Những mảng bê tông rời rạc rất ít sắt thép.
Những mảng bê tông rời rạc rất ít sắt thép.

Có mặt cùng chúng tôi ngay tại chiếc cống bị cuốn trôi một phần, ông Ngô Tiến Hùng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Rsai lắc đầu nói: “Người dân rất bức xúc vì công trình hư hỏng gây ảnh hưởng đời sống bà con, đặc biệt là các em học sinh cấp 2 phải ra trung tâm xã để học. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh tình trạng này. Riêng xã cũng đã nhiều lần kiến nghị sửa chữa, có biện pháp khắc phục để phục vụ việc đi lại của người dân. Ngành chức năng cũng đã xuống hiện trường đi khảo sát để tìm phương án sửa chữa, khắc phục”.

Qua quan sát, vị trí bị hư hỏng rất ít sắt thép. Những mảng vỡ của chiếc cống xuống con suối Chư Tê cũng không hề phát lộ những mẫu sắt thép mà chỉ là những mảng bê tông bể rời rạc. Ông Ngô Tiến Hùng nói thêm: “Chúng tôi không có chuyên môn, tuy nhiên nhìn bằng mắt thường có thể thấy rõ những mảng bê tông rất yếu. Các mảng vỡ ra không thấy cốt sắt. Ở trận lụt năm 2013, 2014, nó đã không trụ nổi khi nước vừa chảy tràn và bị phá vỡ. Lũ cuốn các mảng bê tông xuống ngay chân cống”.

 

Người dân hàng ngày rất vất vả và mạo hiểm vượt suối.
Người dân hàng ngày rất vất vả và mạo hiểm vượt suối.

Về điều này, ông Nguyễn Thanh Vân-Quyền Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa cho biết, khi xây dựng xong thì đến năm 2013 lũ lớn tiểu mãn đã làm trôi một bên mố cầu phần đường dẫn qua cống. Chúng tôi đã khắc phục, nhưng năm 2014 lũ tiếp tục về nên hỏng nặng thêm. Nguyên nhân làm cống này bị cuốn trôi là do đơn vị tư vấn không tính toán áp lực nước thời điểm lũ lớn nên bị xói lở và bị cuốn trôi trong đợt lũ năm 2014. Trước đó, huyện cũng đã cho gia cường bằng hệ thống kè đá ở phần đầu cầu xói lở.

Cũng theo ông Vân, hiện nay huyện đã xin được chủ trương của tỉnh để xây dựng thành chiếc cầu dài 34 mét với nguồn vốn khoảng 1,8 tỷ đồng và sẽ được đưa vào xây dựng năm 2017 do Ban quản lý các Công trình Giao thông tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến xây dựng trong 6 tháng và đưa vào sử dụng sau đó”.

Quang Tấn (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm