(GLO)- Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” với bút danh X.Y.Z. Với tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, tác phẩm đã chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp công tác dân vận.
Đề cập đến vai trò công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng, Bác viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, Bác lưu ý: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Nhà ở của người dân thuộc 4 làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được giúp đỡ di dời, sắp xếp đến nơi ở mới ổn định hơn. Ảnh: Trần Dung |
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác dân vận, xem đây vừa là phương pháp, vừa là mục tiêu phấn đấu. Nhờ vậy, công tác dân vận đã góp phần rất quan trọng vào thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Qua các phong trào hành động cách mạng, cả nước có hàng ngàn tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về công tác dân vận.
Tại Gia Lai, từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã sừng sững tượng đài Anh hùng Núp với việc kiên trì vận động dân làng Stơr đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ đứng lên đánh đuổi kẻ thù. Bước vào thời kỳ đổi mới, Gia Lai cũng đã ghi nhận rất nhiều tấm gương “Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Anh hùng Lao động Rơ Mah Klum (làng Mới, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ); nữ già làng Ksor H'Blâm (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông); già làng Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro)… Đặc biệt, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong việc vận động người dân chung tay đóng góp kinh phí, hiến đất, góp công xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn hoặc giúp nhau thoát nghèo bền vững. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, những tập thể và cá nhân có thành tích về dân vận được tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
Tuy đạt được rất nhiều thành quả đáng ghi nhận, song công tác dân vận vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, thiếu sót, nhất là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận. Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của Nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 30-7-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị”. Quyết định nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có trách nhiệm thực hiện công tác dân vận theo quy định của Đảng và Nhà nước, gương mẫu thực thi công vụ, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân; giữ mối quan hệ mật thiết với Nhân dân”.
Theo đó, tất cả cán bộ, đảng viên đều phải tích cực học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” để “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Cán bộ làm dân vận không chỉ nói suông mà phải làm để dân tin, nhất là dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phụ trách công tác dân vận phải có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín, thực sự là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
DUY LÊ