Văn hóa

Đăng ký sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa: Bước đi cần thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhận thức sớm và đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai như kinh doanh sản phẩm du lịch, ẩm thực bản địa đã tự nguyện đăng ký để được bảo hộ.

Nhanh nhạy đăng ký sở hữu trí tuệ

Kgiang là ngôi làng nhỏ ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) nhưng hiện có đến 2 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu đặc trưng. Gần đây nhất là khăn quàng cổ nhãn hiệu “Brưng” của chị Đinh Thị Hái-Chủ cơ sở dệt thổ cẩm làng Kgiang. Đây là 1 trong số 11 sản phẩm vừa được UBND huyện Kbang chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2023.

Với hoa văn brưng đặc trưng của đồng bào Bahnar, những chiếc khăn dệt hoàn toàn bằng sợi bông truyền thống dần được biết đến nhiều hơn nhờ sự chuyên nghiệp trong thiết kế nhãn hiệu riêng để dễ dàng nhận diện.

Chị Hái cho hay, ra mắt chưa lâu nhưng khăn quàng cổ Brưng đã trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách yêu thích. Cơ sở đang nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội đối với sản phẩm này.

Sản phẩm khăn quàng cổ Brưng của chị Đinh Thị Hái (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: P.D

Sản phẩm khăn quàng cổ Brưng của chị Đinh Thị Hái (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: P.D

Ý thức về vấn đề này từ rất sớm nên năm 2021, anh Đinh A Ngưi-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi (cùng làng Kgiang) cũng đã nhanh nhạy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu tổng thể gồm chân dung ký họa của chính anh và câu slogan bên dưới “A Ngưi-Tinh túy từ Tây Nguyên”.

Nhãn hiệu đặc trưng này được sử dụng trên các sản phẩm quà tặng là đặc sản địa phương (cà phê, hồ tiêu, mật ong, gạo…), dịch vụ cơ sở lưu trú tạm thời, quán cà phê, nhà hàng, hướng dẫn khách du lịch… của Công ty. Sự góp mặt của nhãn hiệu chính là lời khẳng định từ chủ doanh nghiệp về sự uy tín cũng như chất lượng các sản phẩm và dịch vụ mà Công ty cung cấp.

Tại Pleiku, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, sản phẩm du lịch cũng chú trọng đến vấn đề này. Chị Võ Thị Tuyết-Giám đốc Công ty TNHH Bazan Gift (03 Phan Đình Giót) chia sẻ: Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là bước đi cần thiết nhằm định vị thương hiệu, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện sản phẩm của Công ty, qua đó quảng bá sản phẩm và tránh những tranh chấp không đáng có.

Các sản phẩm như: trà kim ngân hoa, cà phê, khăn quàng cổ thổ cẩm… đều có dán nhãn hiệu riêng đang được đăng ký cấp quyền sở hữu trí tuệ với hình ảnh 3 ngọn núi được cách điệu cùng hoa văn thổ cẩm.

Trước đó, cơ sở kinh doanh ẩm thực Jrai Food (20 Trần Quang Khải) do anh Bạch Hồng Quý làm chủ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hình lục giác có dòng chữ “JR Food” nổi bật trên nền logo núi non và thông xanh đặc trưng của xứ sở cao nguyên. Nhãn hiệu trên là sự bảo chứng cho chất lượng dịch vụ nhà hàng của cơ sở, trong đó, cơm lam, gà nướng là món chủ đạo.

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Theo nhận định của Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ), việc nhiều cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa tại tỉnh ý thức sớm về vấn đề đăng ký cấp quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu riêng là tín hiệu vui, khẳng định tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp khiếu kiện nào liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực trên.

Nhãn hiệu đặc trưng của Công ty TNHH Bazan Gift trên một số sản phẩm. Ảnh: Phương Duyên

Nhãn hiệu đặc trưng của Công ty TNHH Bazan Gift trên một số sản phẩm. Ảnh: Phương Duyên

Những năm qua, sở hữu trí tuệ là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hội nghị tập huấn về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các hội nghị xoay quanh những vấn đề quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ; cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; quản lý nhãn hiệu qua các bước tạo lập, xác lập quyền, định giá, khai thác, bồi tụ nhãn hiệu; việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất-nhập khẩu để phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xuất-nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền…

Trước đó, từ tháng 3-2022 đến tháng 3-2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) thực hiện Dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam”. Dự án nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Quỹ quốc tế Vì đa dạng văn hóa của UNESCO.

Theo đó, Dự án được triển khai nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, góp phần vào sự phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Có thể bạn quan tâm