Đằng sau các bức ảnh mà độc giả thấy trên mặt báo hàng ngày là gì? Lắm khi để có được những “khoảnh khắc vàng”, nhà báo phải dấn thân hết mình, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Báo Gia Lai xin giới thiệu với độc giả một số bức ảnh như thế trên những cung đường tác nghiệp của phóng viên.
|
Ảnh: Trần Văn Nghĩa |
Lúc 16 giờ 20 phút ngày 13-2-1995, tại ngã ba đường Hoàng Hoa Thám- Hùng Vương (thị xã Pleiku) xảy ra một vụ nổ kinh hoàng khi xe ben thuộc một đơn vị kinh tế- quốc phòng đứng chân trên địa bàn tỉnh chở theo 700 kg thuốc nổ và 1.300 kíp nổ bốc cháy do bất cẩn. Lúc này, nhà báo Trần Văn Nghĩa đang chở con gái đi học về ngang qua hiện trường, với phản xạ nghề nghiệp nhanh nhạy, anh đẩy xe và con gái vào sát vệ đường rồi lấy máy ảnh ra ghi lại sự kiện này. Ngày hôm sau, tấm ảnh đã trở thành tâm điểm thời sự, còn nhà báo Trần Văn Nghĩa phải nhập viện để may 4 mũi ở lưng do bị một mảnh lưới B40 văng vào vì sức ép của vụ nổ. May mắn là con gái anh không bị thương.
|
Ảnh: Bích Nga |
Đây là hình ảnh ghi lại phút nghỉ chân bên đường của đoàn cán bộ, lãnh đạo tỉnh đi khảo sát tuyến đường vào xã Kon Pne (huyện Kbang) năm 2002, nơi mà vào thời điểm đó gần như còn cách biệt với thế giới bên ngoài vì chưa có đường giao thông. Có mặt trong chuyến đi này, nhà báo Bích Nga cùng đoàn lội bộ 13 km đường rừng suốt từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Chuyến đi đầy vất vả đã khiến một số người ngất xỉu, nhưng nhà báo Bích Nga vẫn trụ vững trong chuyến đi “để đời” này.
|
Ảnh: Kim Linh |
Gia Lai có diện tích lớn thứ 2 cả nước (sau Nghệ An), địa hình cách trở, vì vậy các phóng viên phải vất vả để tác nghiệp, đặc biệt là với phóng viên nữ. Đây là bức ảnh chụp chiếc quạt gió phát điện đầu tiên tại làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, do phóng viên Kim Linh thực hiện năm 2006. Để có được bức ảnh này, phóng viên Kim Linh cùng đồng nghiệp đã phải nhọc nhằn lội bộ 4 cây số đường rừng mới đến được nơi từng được gọi là ốc đảo bởi sự cô lập về địa lý.
|
Ảnh: Đức Thụy |
Phút nguy nan trong cơn bão lũ số 11- năm 2009 (tại xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) đã được phóng viên ảnh Đức Thụy nhanh nhạy ghi lại. Sau khi chiếc xe thiết giáp lội nước của chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên bị chìm trong lúc đến ứng cứu trước cơn lũ, 5 người bị trôi theo dòng lũ, nhưng có 1 người bám được vào thành cầu sông Ba và được thả dây kéo lên. Trong nháy mắt, phóng viên Đức Thụy đã trèo ra lan can thành cầu, một tay bám cho khỏi ngã, một tay chụp bức ảnh hết sức thời sự này.
|
Ảnh: Nguyễn Giác |
Đường vào xã Đak Pling những ngày mưa bão năm 2010. Từ trung tâm huyện Kông Chro đến xã Đak Pling chưa đầy 40 km mà phải mất đến 4 giờ đồng hồ ròng rã mới đến nơi. Chiếc xe Win- loại xe “đặc chủng” để cán bộ các phòng ban huyện đi cơ sở- trồi lên, trụt xuống theo từng ổ gà, con dốc trơn nhẫy. Đường vào đã vậy nhưng khi ra thì lại càng khó khăn hơn khi suối đã thành sông và cần đến 4-5 thanh niên lực lưỡng mới đưa được xe sang bờ bên kia. Ra được đến nơi thì chiếc máy ảnh mang theo đã ngấm đầy hơi nước và ống kính không còn nhìn được gì. Đó là những cảm nhận khó quên của phóng viên Nguyễn Giác trong một chuyến công tác gian nan đến một xã vùng sâu.
|
Ảnh: Lê Anh |
Năm 2011, phóng viên Lê Anh đã có một chuyến đi đáng nhớ theo đoàn tìm kỳ nam vào núi Ktêch, xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro), sau đó trình làng tác phẩm báo chí “Vỡ mộng kỳ nam”. Lê Anh cho biết: “Vì không được phép chụp hình nên khi qua suối, tôi phải lội qua trước tìm vị trí thuận lợi cho góc ảnh và không để mọi người phát hiện mới có thể ghi lại cảnh này. Bài báo sẽ thiếu sức thuyết phục nếu tác phẩm không có ảnh hoặc ảnh không đạt chất lượng, nên đôi khi nguy hiểm vẫn phải cố gắng hoàn thành để bài viết sống động hơn”.