Đằng sau những vụ án sát hại người thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đứng trước vành móng ngựa, đại diện hợp pháp của bị hại cũng đồng thời là thân nhân bị cáo chẳng biết nói gì ngoài câu: Mong các cơ quan pháp luật “giơ cao đánh khẽ” người phạm tội để con họ có cơ hội làm lại cuộc đời…

Sát hại anh trai để cha mẹ bớt khổ

Như bao đứa trẻ khác, Trần Viết Sơn (SN 1994, trú tại tổ 3, phường An Phú, thị xã An Khê), con trai thứ 5 trong gia đình 8 anh chị em được cha mẹ cho đi học đàng hoàng. Song với bản tính lười học, ham chơi nên chỉ đến lớp 6 Sơn đã bỏ học. Để thị uy với đám thanh niên cùng xóm, đi đâu Sơn cũng mang theo dao.

 

Bị cáo Thịnh trước vành móng ngựa. Ảnh: T.H
Bị cáo Thịnh trước vành móng ngựa. Ảnh: T.H

Vì vậy, gây chuyện đánh nhau từ làng trên đến xóm dưới đối với Sơn xảy ra như cơm bữa, gây bao đau khổ, tai tiếng cho gia đình. Cuối cùng, chuyện gì đến cũng phải đến, vào năm 2008, Sơn khi đó mới 14 tuổi đã dùng dao nhọn đâm anh Nguyễn Tấn Dũng (trú cùng tổ dân phố) làm anh này tử vong còn Sơn bị đưa vào Trường Giáo dưỡng. Cha mẹ Sơn phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đền bù cho thân nhân anh Dũng tổng cộng 65 triệu đồng.

Hết thời hạn giáo dưỡng, khi trở về địa phương, ai cũng nghĩ rằng Sơn từ nay sẽ tu chí làm người có ích cho gia đình. Đầu năm 2013, Sơn cầm chai bia vỡ đâm anh Nguyễn Văn Y (trú cùng tổ dân phố) gây thương tích. Sau đó, cha mẹ Sơn phải thỏa thuận đền cho gia đình anh Y 20 triệu đồng để Sơn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chưa hết, khoảng 17 giờ ngày 1-3-2013, Sơn lại tiếp tục cùng nhóm bạn gồm Huỳnh Nhật Luân, Trần Ngọc Sang, Trần Quốc Tiến đến nhà anh Phan Hòa Nhiên (tổ 6, phường An Phú) nhậu. Lúc này Sơn xảy ra mâu thuẫn với Tiến và Sang về việc làm ăn. Thấy Sơn đang nóng nên Sang và Tiến lẳng lặng rời khỏi bàn nhậu, ra ngoài ngồi chơi cho yên chuyện.

Thấy vậy, Sơn không những không bỏ qua mà còn cầm 2 cây rựa xông ra đuổi chém Sang và Tiến. Vì phát hiện kịp thời nên cả hai đều bỏ chạy song Sơn vẫn quyết đuổi chém cho bằng được. Đúng lúc này, vơ được nửa viên gạch bên đường, Sang quay lại ném trúng vào đầu khiến Sơn bị chấn thương. Sơn tỏ ra tức tối, chửi thề và nói tối nay sẽ giết Sang và Tiến. Sợ anh trai mình gây án thật, Chánh (em trai Sơn) khuyên: “Anh đã làm khổ gia đình nhiều rồi, giờ còn đòi giết người nữa”. Bỏ ngoài tai lời khuyên của em trai, Sơn liền cởi áo, nhặt một cây gậy rồi đi tìm Sang và Tiến.

Nỗi bức xúc đối với người anh đã dồn nén lâu nay trong Chánh nổi dậy. Chánh âm thầm lấy một con dao Thái Lan với ý định chấm dứt cuộc đời anh trai mình để cho gia đình bớt khổ. Chánh gọi anh để nói chuyện riêng. Khi Sơn vừa đến nơi, Chánh bất ngờ rút dao đâm 2 nhát vào vùng bụng khiến Sơn gục ngã, Chánh tiếp tục đâm 12 nhát khắp người Sơn rồi mới chịu dừng. Sơn được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã bị tử vong ngay sau đó.

Ngày 12-9-2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án. Tại đây, Chánh đã nghẹn lời khi thuật lại lý do mình ra tay giết anh. “Từ khi sinh ra, anh Sơn đã chẳng đỡ đần được gì cho gia đình mà suốt ngày chỉ đi gây chuyện phá làng, phá xóm khiến cho cha mẹ vốn đã khổ càng thêm khổ. Những chuyện do Sơn gây ra khiến cha mẹ phải mang nợ khắp nơi. Đến như vậy mà anh ấy vẫn không chịu tỉnh ngộ, còn muốn đi giết người. Lúc đó vì không muốn cha mẹ già phải mệt mỏi vì anh Sơn nên bị cáo đã không kìm chế được mình, nông nổi phạm tội”… Chánh bị tuyên mức án 5 năm tù vì tội “Giết người”.

Giết cha vì bị bạo hành

Võ Đình Thịnh (30 tuổi) là đứa con áp út trong một gia đình nông dân nghèo có tổng cộng 10 người con (8 trai, 2 gái). Người cha, ông Võ Xóa không lo tu chí làm ăn nuôi gia đình mà suốt ngày chìm đắm trong men rượu, đến khi say thì hành hạ, đánh đập vợ con.

Nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ phải nhập viện sau những trận đòn của cha nên Thịnh đã trở nên lầm lì, ít nói so với bạn cùng trang lứa. Trong một lần nhậu say, cha Thịnh lỡ tay giết chết bạn nhậu chỉ vì bất đồng ý kiến và bị luật pháp trừng trị 11 năm tù. Khi cha đi tù chẳng được bao lâu, 2 người chị gái đang tuổi cập kê của Thịnh lần lượt tự tử vì buồn chuyện gia đình. Hàng xóm cho rằng họ bị mắc chứng bệnh trầm cảm. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, mới chỉ học lớp 5 nhưng Thịnh mặc cảm với chúng bạn nên bỏ học, quanh quẩn ở nhà phụ mẹ trồng rau. Lúc rảnh rỗi, Thịnh còn đi phụ hồ để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Chấp hành xong bản án, ông Xóa trở về. Gia đình vẫn ân cần đón ông và hy vọng từ nay ông sẽ tu chí làm ăn để bù lại quãng thời gian lỡ lầm trước đó. Hàng ngày, ông Xóa chạy xe ôm kiếm sống. Rồi những hôm mưa gió bão bùng chẳng có khách, cánh xe ôm lại tụ tập lai rai giết thời gian. Lúc đầu chỉ uống vài ly cho hết thời gian, nhưng sau đó thì kiếm được bao nhiêu tiền ông Xóa cũng nướng cả vào rượu. Ông lại đánh đập vợ con và miệt thị Thịnh “Mày là thằng chẳng ra gì, đồ ăn bám… là thằng không có tương lai”. Thịnh có hôm phải vừa đi làm, vừa vào bệnh viện chăm sóc mẹ vì trận đòn trước đó của cha.

18 giờ ngày 21-3-2010 là ngày định mệnh đối với hai cha con và với cả gia đình Thịnh. Sau khi uống đến độ lè nhè, ông Xóa lảo đảo về nhà, gặp Thịnh ông lại giở điệp khúc chửi rủa như cũ. Đang mệt mỏi sau một ngày lao động, Thịnh như quả bóng đã căng quá mức, không nói không rằng chạy thẳng vào bếp lấy con rựa lao ra chém tới tấp vào cha mình khiến ông chết ngay tại chỗ… Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Thịnh 14 năm tù vì tội “Giết người”.

Còn lại nỗi đau…

Trước phiên tòa, những người thân của Thịnh vừa đại diện cho bị hại lại đồng thời đại diện cho cả bị cáo. Họ cho rằng đó là hành vi không thể tha thứ, nhưng cũng vì từ nhỏ Thịnh đã sống trong cảnh bạo lực gia đình quá nặng nề lại ít học nên mong Tòa khoan hồng. Về phần cha mẹ Chánh, có lẽ họ không bao giờ ngờ rằng gia đình mình rơi vào thảm cảnh này. Không còn gì đau đớn hơn chuyện những “núm ruột” cùng cha mẹ lại tước đoạt mạng sống của nhau.

Hành vi của Thịnh, Chánh đều đã trả giá nhưng điều đáng nói ở đây là từ những cậu bé được cho là ngoan, hiền lại bất ngờ vướng vào vòng lao lý để lại nỗi đau đối với bậc sinh thành. Nhìn Thịnh, Chánh trước vành móng ngựa nhiều người dự phiên tòa đều cảm thấy xót xa và tiếc cho họ, ai cũng lắc đầu, chép miệng: Giá mà…

Trần Hằng

Có thể bạn quan tâm