Thời sự - Bình luận

Đằng sau sự tổn thương khi Quốc ca cũng bị "đánh" bản quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ quan chức năng đã ở đâu, đã làm gì? Khi những sự lằng nhằng về bản quyền từng gây ra cuộc tranh cãi cả tháng trước. Để rồi hôm qua, rất bức xúc Quốc ca bị tắt tiếng trong một trận đấu của đội tuyển quốc gia?!
 

Việc Quốc ca bị tắt tiếng tối qua phải trở thành một câu hỏi với ngành văn hoá ngay hôm nay. Ảnh: CMH
Việc Quốc ca bị tắt tiếng tối qua phải trở thành một câu hỏi với ngành văn hoá ngay hôm nay. Ảnh: CMH


“Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ..." - đây là dòng thông báo trên nền tảng YouTube phần hát quốc ca mở đầu trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào tối qua.

Màn chào cờ, hùng tráng và thiêng liêng như đáng lẽ, đã trở thành những hình ảnh câm. Cực kỳ vô lý, rất bức xúc nhưng không ngạc nhiên.

Những lằng nhằng của Hệ thống quét và cảnh báo vi phạm bản quyền contend ID để một doanh nghiệp có thể “đánh bản quyền” cả Quốc ca, cả Hồn tử sĩ... trên YouTube từng gây ra cuộc tranh cãi suốt cả tháng trước.

Liệu có thể chấp nhận được không việc một bài hát chính thức của quốc gia dùng trong mọi nghi lễ, bài hát “đầu tiên” cần biết, phải biết với công dân của bất kỳ quốc gia nào, bài hát thiêng liêng nhất đối với một dân tộc... bị tắt tiếng?

Nhưng trong vụ việc Quốc ca tắt tiếng tối qua, cần phải nhìn nhận công bằng - là có 2 thứ “bản quyền” là tác quyền và bản quyền.

Tác quyền - đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng. Còn quyền bản ghi cụ thể được phát sóng truyền hình trực tiếp (liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi) do Hồ Gươm Media sản xuất, thuộc về BH Media.

Nếu Hệ thống quét và cảnh báo vi phạm bản quyền contend ID trên nền tảng YouTube tối qua có thật sự “đánh bản quyền” thì nó cũng chẳng hề sai.

Người dân có quyền bức xúc, thậm chí cảm thấy bị tổn thương. Nhưng sự bức xúc, tổn thương tối qua phải trở thành câu hỏi với ngành văn hoá hôm nay.

Khi hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhà nước và nhân dân, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã kể lại: Khi “Tiến quân ca” được Bác Hồ chọn làm “Quốc ca”, nhạc sĩ Văn Cao đã khóc. Ngay từ đó, ông đã nói rằng “kể từ hôm nay, bài hát Tiến quân ca đã không còn là của tôi nữa mà là của nhân dân".

Ca khúc ấy đã sống trong lòng người Việt suốt hơn 70 năm qua, được mọi người Việt cùng hát với cảm giác tự hào, thiêng liêng.

Và rồi tối qua, Quốc ca tắt tiếng - giữa bàn dân thiên hạ trong một sự việc mà đông tây kim cổ chưa thấy khi nào quốc ca trước trận đấu phải bị tắt nhạc vì vi phạm bản quyền cả.

Không lẽ chúng ta không đủ nhân lực vật lực để có một bản ghi quốc dân?

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dang-sau-su-ton-thuong-khi-quoc-ca-cung-bi-danh-ban-quyen-982007.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm