Thời sự - Bình luận

'Đánh thức' các động lực nội sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong lúc lạm phát trên thế giới tăng cao, kinh tế tăng trưởng chậm trong 3 năm vừa qua, thì Việt Nam nổi lên với nhiều điểm sáng.

Ngoài chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và đứng hạng thứ 17/194 quốc gia, chúng ta còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng khác. Đó là, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay; nợ công trên GDP được kéo giảm, tạo dư địa để ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn. Đặc biệt, kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm 2024 tăng trưởng khoảng 7% và phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó có ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Trong 3 động lực tăng trưởng, riêng xuất khẩu, cần có chính sách để kết nối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các DN trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt là nông sản, thủy sản. Cần quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ thông qua phát triển du lịch.

Với động lực tăng trưởng đầu tư, thực tế, tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng nhưng khu vực dân doanh thì tăng thấp, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Do đó, cần có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho DN Việt, đặc biệt các DN nhỏ và vừa. Việc thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các DN Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Với động lực tiêu dùng nội địa, tuy có sự phục hồi mạnh (trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 8,8%), nhưng so với giai đoạn trước dịch COVID-19 còn thấp. Do đó, phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế; cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025, bởi đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc.

Ngoài việc khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn... thì chúng ta cần "đánh thức" phát triển 3 động lực nội sinh, đó là nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Ba lĩnh vực này thực sự là chủ công của đất nước và cũng là những thế mạnh của Việt Nam.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm