Phóng sự - Ký sự

'Đảo bộ đội' ở biển Tây Nam: Đỏ cờ trên Hòn Nhạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hòn Nhạn là đảo đá nằm cách đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, TP.Phú Quốc, Kiên Giang) hơn 5 km về phía tây nam. Trên đảo có mốc chủ quyền và đánh dấu điểm A1 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
Mỗi tuần trồng vài cây xanh
Buổi sáng cuối tháng 11.2021, chúng tôi cùng tổ công tác của Đồn biên phòng Thổ Châu (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) hành quân ra Hòn Nhạn. Gần chục chiến sĩ mang vác lỉnh kỉnh từ phao cứu sinh, áo phao, súng đạn cho đến cuốc xẻng, gậy gộc… Từ doanh trại ở Bãi Ngự ra cảng, thượng úy Hoàng Đình Văn, đội trưởng vũ trang, ghé cửa hàng tạp hóa mua 2 lọ sơn đỏ vàng và mấy cây bút vẽ. “Sóng gió, hơi nước mặn làm mốc chủ quyền trên Hòn Nhạn bị phai mờ chữ, dấu hiệu. Phải sơn lại lá cờ Tổ quốc ở vị trí Hoàng Sa - Trường Sa”, thượng úy Văn giải thích.

Tổ tuần tra của Đồn biên phòng Thổ Châu thực hiện nghi lễ chào và giới thiệu về mốc chủ quyền trên đảo Hòn Nhạn. Ảnh: M.T.H
Sau 1 tiếng đồng hồ cắt sóng, chiếc tàu đánh cá cũng thả neo cạnh đảo. Di chuyển xuống thuyền nhỏ, loanh quanh cả chục phút tìm chỗ yên sóng, chúng tôi mới đặt chân lên Hòn Nhạn. Nhìn từ xa, Hòn Nhạn như khối đá khổng lồ giữa biển với điểm cao nhất khoảng 40 m. Lên đảo, thấy rõ những phiến đá trắng xếp chồng lên nhau, kẽ đá làm tổ cho chim nhạn kéo về đẻ trứng, tầm tháng 5 - 6.
Mùa cuối năm, triền đảo phía đông - đông bắc trơ trụi đá khô khốc, duy nhất có vài cây cao khoảng 3 - 4 m, tán xòe rộng. Thượng úy Hoàng Đình Văn bảo: “Những cây này do bộ đội Trung đoàn 152 (Quân khu 9) trồng từ rất lâu” và chỉ những cuốc xẻng, can nước ngọt, bầu đất đựng cây giống vừa vác dưới thuyền lên: “Mỗi tuần ra, anh em đều tranh thủ trồng cây mới, chăm cây cũ”.
Ngày 12.11.1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, với 11 điểm chuẩn, trong đó Hòn Nhạn là điểm A1 - đầu tiên. Năm 2017, sau hơn 1 năm xây dựng, mốc chủ quyền quốc gia, ghi tọa độ điểm A1 trên Hòn Nhạn được khánh thành và bàn giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang quản lý, bảo vệ.
Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, ngay từ những ngày đầu tiên, bộ đội Đồn biên phòng Thổ Châu đã cần mẫn mang theo các cây con hợp với nắng gió, môi trường khô hạn mặn, gạt cỏ lau và cây bụi để gom đất, đào hố trồng. Mỗi đợt tuần tra, bộ đội mỗi người đều gùi thêm can nước ngọt, tưới mát cho từng cây đang trồng. Ban đầu, số cây sống được chỉ 50%, dần quen cách chăm trồng và tưới thường xuyên, giờ những cây bàng vuông, phong ba, cây tra, dương biển… đã cao gần bằng đầu người, kiên cường.
Thuê tàu dân đi làm nhiệm vụ
Từ năm 1980, tàu cá nước ngoài (nhất là Thái Lan) ào ạt vào sâu trong khu vực Thổ Chu - Phú Quốc - Nam Du - Hòn Chuối để đánh bắt trái phép. Giai đoạn từ năm 1991 - 1993, lực lượng vũ trang Thái Lan yểm hộ tàu cá, tấn công tàu công vụ Việt Nam (17.2.1992, không quân Thái Lan bắn rốc két vào tàu của Hải đoàn 28 đang dẫn giải tàu Thái Lan vi phạm; 24.7.1993, hải quân Thái Lan tấn công tàu Hải đoàn 24 Kiên Giang bắt đi 12 người…).
Ở Thổ Chu, tàu cá Thái Lan áp sát đảo 2 - 3 km, lúc biển động, họ vào cách 500 m. “Bộ đội suốt ngày báo động, không thể đẩy đuổi bởi không có phương tiện và chức năng nhiệm vụ. Cuối năm 1993, khi tàu cá Việt Nam ra nhiều, chúng tôi còn phải làm thay biên phòng thủ tục đóng dấu chứng nhận cho bà con”, đại tá Dương Đức Mười (Trung đoàn trưởng 152) kể vậy, và nhớ: “Cuộc họp nào cũng kiến nghị lập đồn biên phòng cho đảo”.
Tháng 4.1995, Đồn biên phòng Thổ Châu được thành lập (do thiếu tá Trần Minh Vinh làm đồn trưởng, Vũ Đức Tranh là chính trị viên). 26 năm sau ngày thành lập, Đồn biên phòng Thổ Châu vẫn là đồn xa thứ nhì so với đất liền (sau Đồn biên phòng Trường Sa thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa) và sự vất vả thì cũng ít đâu bằng: Đi lại trên đảo phải cuốc bộ hoặc xe máy cá nhân. Khi có vụ việc cần đến phương tiện xe hơi, đều phải nhờ xe của Trung đoàn 152. Trớ trêu nhất là đồn được biên chế 1 tàu cứu hộ cứu nạn, nhưng bị điều trực chiến ở vùng biển TP.Phú Quốc, nên lực lượng tuần tra kiểm soát, cứu hộ cứu nạn, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải và các nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn, tất tật phải đi thuê, nhờ tàu cá của ngư dân.

Cắm cờ Tổ quốc trên mũi đá phía đông bắc đảo Hòn Nhạn
Trưa 19.11.2021, trạm ra đa 610 (Vùng 5 Hải quân) phát hiện tàu Manyplus 3 (quốc tịch Malaysia) kéo theo sà lan chở hàng Manyplus 7 đi vào lãnh hải Việt Nam, hướng về đảo Thổ Chu. Nhận tin báo của hải quân, ngay lập tức thiếu tá Nguyễn Văn Bé (Phó đồn trưởng biên phòng Thổ Châu) lệnh cho 1 tổ công tác do thượng úy Hoàng Đình Văn (đội trưởng vũ trang) chỉ huy, đi nhờ tàu đánh cá nhỏ của dân ra làm nhiệm vụ. Tại vùng biển cách Bãi Ngự (xã Thổ Châu) khoảng 3 km, thuyền trưởng tàu kéo Manyplus 3 khai nhận: “Chở cao lanh từ TP.HCM đi Malaysia, muốn vào gần Thổ Chu để nghỉ ngơi”. Sau khi thực hiện công tác kiểm tra xác minh và xin ý kiến cấp trên, tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu phương tiện ra khỏi lãnh hải Việt Nam, thực hiện đúng hải trình quy định… Đầu giờ chiều, tổ công tác về tới sân đồn, ai cũng ướt lướt thướt vì tàu gỗ đánh cá chưa đến 10 tấn, đối đầu với tàu kéo - sà lan vài nghìn tấn.
Tô cờ tổ quốc
Những chiến sĩ ở Đồn biên phòng Thổ Châu hiện nay chủ yếu ở độ tuổi 18 - 20. Mới nhập ngũ, lần đầu tiên ra đảo nên rất háo hức và nhiệt huyết. Mấy lần đi làm nhiệm vụ trên biển, không ít chiến sĩ say sóng, gục đầu ôm thành tàu, nhưng khi phải làm nhiệm vụ đều gượng dậy, chỉn chu.
Binh nhất Ngụy Hải Đăng (19 tuổi) là một trong những chiến sĩ như vậy. Nhà Đăng ở TP.Rạch Giá. Nhà nghèo, nên học hết lớp 9, cậu đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi em gái Ngụy Kim Xuyến học lên THPT. Đầu năm 2021, Đăng tình nguyện đi bộ đội, huấn luyện xong là xin ra đảo công tác với lý do “đã đi là phải ra nơi khó khăn vất vả”.
Hôm lên Hòn Nhạn, Đăng rưng rưng mắt khi chào cột mốc chủ quyền. Xong lễ chào và dọn mốc, Đăng chen vai đồng đội, cặm cụi chấm sơn tô lá cờ đỏ sao vàng ở vị trí Hoàng Sa - Trường Sa trên hình vẽ đất nước Việt Nam hình chữ S, ở 4 mặt cột mốc. Đăng bảo: “Giá cột mốc bự hơn, con sẽ xin tô cờ hết vị trí các đảo. Đất đai bờ cõi mình là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, đâu thể cứ chấm chấm là xong?”.
Chúng tôi nhìn gương mặt Đăng, những chiến sĩ trẻ của Đồn biên phòng Thổ Châu và nhớ lại những khuôn mặt chiến sĩ Trung đoàn 152, không thấy măng tơ mà chỉ còn sự cương nghị. Sự cương nghị không chỉ hun đúc từ sóng gió, mà còn là trách nhiệm với đất nước mình, ở phía tuyến đầu Tổ quốc mình, biển đảo Tây Nam.
Tuổi trẻ dũng cảm
Ngày 11.6.2015, tàu Orkim Harmony chở 6.000 tấn xăng xuất phát từ Singapore đến cảng Johor (Malaysia), khi gần đến cảng thì bị cướp biển khống chế lấy một số tài sản và tẩu thoát bằng xuồng cứu sinh. Ngày 13.6.2015, cơ quan chức năng Việt Nam nhận được thông báo từ cơ quan chức năng Malaysia và đã triển khai các lực lượng truy lùng.
Vào lúc 6 giờ sáng 19.6.2015, binh nhất Trần Hoàng Tuấn (chiến sĩ Cụm 1, Trung đoàn 152, Quân khu 9) đang trực gác tại vọng Bãi Nhất (đảo Thổ Chu) thì phát hiện 1 xuồng cứu sinh không số hiệu chạy vào đảo. Tuấn nhanh chóng báo cáo về đơn vị và khống chế 8 tên cướp biển. Ngay sau đó, bộ đội Cụm chiến đấu 1 đã có mặt tiếp ứng bắt gọn bọn cướp.
Chiến sĩ Trần Hoàng Tuấn được phong hàm vượt cấp lên trung sĩ và T.Ư Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm