Nghỉ trăng, đàn ông Cù Lao Xanh uống rượu, đàn bà ngồi tán gẫu. Nhưng cũng chẳng phải vì nghỉ trăng, vì năm nay biển đói. Bà Huỳnh Thị Dân ngó ra chiếc ghe đậu xa xa của gia đình, lắc đầu: “Biển thấy càng ngày càng cạn kiệt. Mấy năm trước đi suốt, tới chiều 30 mới về rồi xách đồ cúng. Đón Giao thừa xong là tôi lấy xô cá vào đất liền bán. Năm nay thì nghỉ rồi, vì không có cá”.
Hiện giờ một ngày đã có nhiều chuyến cano từ đất liền ra đảo. |
Đàn bà đi lựa
Ở Cù Lao Xanh, người ta gọi đi biển là đi lựa. Đàn bà đi lựa như bà Dân hiếm lắm, nếu không nói là gần như duy nhất. Từ quê Phú Yên về làm dâu Cù Lao Xanh đã 27 năm, nhưng cũng hơn 20 năm bà theo chồng - ông Nguyễn Văn Hiền - lên tàu ra biển. Cũng đánh đông dẹp bắc khắp Biển Đông, ngắn thì sáng đi chiều về, dài thì 10 ngày đến một vài tháng. “Ổng kêu được bạn thì tôi ở nhà, mà không kêu được bạn thì đi”, bà Dân kể về lý do đi biển trái khoáy. Dân đi biển vốn kiêng phụ nữ lên tàu, nhưng ở đất Quy Nhơn, những người đàn bà lênh đênh sóng nước hóa ra chỗ nào cũng gặp. Không phải vì bà ham biển, mà vì mỗi ngày kiếm bạn đi biển mỗi khó. “Giờ kiếm được 3 - 4 người là mừng, mà có 3 - 4 người thì tôi vẫn phải đi đó”, bà cười. Dân Cù Lao Xanh sống nhờ biển, không đi biển biết lấy gì ăn khi mà đảo gần bờ đấy mà gần như biệt lập. Mấy năm gần đây, bà lại càng phải đi nhiều, dù cậu con trai lớn lên cũng đã theo nghề biển của cả nhà. “Kêu bạn giờ khó lắm. Nhà nào còn đi biển thì họ tự đi chứ không đi cùng nhau như xưa nữa”, bà bảo. Năm ngoái tới giờ, bà cũng theo chồng đi miết từ tháng 7 tới tận tháng Giêng.
Người hàng xóm ngồi cạnh bà Dân, chép miệng: “Bả đi giờ như đàn ông vậy đó”, đến nỗi chòm xóm phải gọi bà là “ông Dân”. Bà chỉ đang phiền lòng là: “Mùa này mấy năm trước no lắm, biển cá đủ lại hết. Nhưng hai năm nay biển mực cá hết. Đâu biết tại sao. Xưa có cá hố, cá rựa. Mấy năm nay toàn cá rác, con mực cũng hiếm”. Thời kỳ dư dả nhất là những năm 2012 - 2013, cũng đủ để ông bà nuôi ba đứa con khôn lớn. Thời đó bụng bầu vượt mặt, nói như chính chủ là “bụng thè lè” mà “ông Dân” vẫn liều lên thuyền, chỉ chịu về bờ lúc chỉ cách ngày dự sinh gần tháng. Cuối những năm 90, chưa có điện thoại di động, nhà cũng chẳng gắn điện thoại bàn, ông bà đi biền biệt, cậu con trai cứ bắc ghế trèo lên ban công hướng ra biển ngóng mẹ về. Con cái hầu như gửi gắm nhà nội trông nom. Chị chồng bà bảo thương chảy nước mắt. Nhưng nghề biển là vậy. “Có sóng có gió chứ mà cũng ráng đi mới có tiền nuôi con mà. Con nó nhớ nó khóc mà mình về không được ráng chịu. Thi thoảng về hai ba ngày rồi lại đi tiếp”, bà Dân tư lự.
Năm 2014, cả đảo có 127 phương tiện tàu thuyền có động cơ. Nhưng ngay cả thời điểm năm 2014, những bỏ ngỏ về nghề cá cũng đã thường trực trong câu chuyện của những ngư dân. Anh Phong, Chánh văn phòng UBND xã bảo có những chuyến đi cả tháng mà về trừ đi chi phí mỗi người chỉ được lãi 600 nghìn tới một triệu đồng. Một nhóm bạn, vốn đi biển quen với nhau nhiều năm, khi anh Phong dẫn chúng tôi đến cũng đang âu lo về những luồng cá ngày một cạn. Họ đã không còn đánh cá xa bờ từ lâu lắm, chỉ còn quanh quẩn vài tiếng với cá cơm, như một thú vui cho đỡ nhớ biển mà thôi. Năm 2021, theo thống kê mới nhất, Nhơn Châu chỉ còn lại 61 ghe thuyền có động cơ. Bà con chuyển sang thuyền thúng composite, bắt tạm cá rác trong ngày.
Ngó ra bãi ghe trước mắt, bà Dân thở dài: “Giờ đổ tới lui cá cũng hiếm. Nhiều nhà bán thuyền vì thu hoạch không đủ tiền chi”. Giữ được cả ba đứa con ở lại đảo làm nghề biển như nhà bà cũng là hiếm lắm.
Khoản, anh thanh niên 30 tuổi, cũng đã phải bán chiếc ghe ba anh để lại. Khoản đi biển từ nhỏ, nghề giỏi nhất là nghề biển, nhưng anh cũng chỉ duy trì được vài năm sau khi ba mất, vì không rủ được người đi biển cùng. “Người ta đi biển có đôi”, làm gì có ai một mình giong buồm được. Khoản đi làm cho các ông chủ khác, theo tàu ra tận Trường Sa, Hoàng Sa. Cũng có lúc chạnh lòng vì từ vị trí chủ ghe, thành đi làm thuê, nhưng anh bảo không khác được.
Nhà anh Lê Văn Dưỡng coi như có ghe to nhất nhì đảo, nhưng lâu lâu nay cũng chỉ đi biển gần. Ghe nhà anh Dưỡng lúc mua đã chừng 500 - 600 triệu đồng. “Mỗi năm tu bổ hai lần, mỗi lần cũng mất 70 - 80 triệu đồng”, vợ anh Dưỡng nhẩm tính. Tốn kém thế nhưng cá thu về đợt này kém. “Xưa mình đánh cá còn mang ra tận Quy Nhơn bán. Giờ cả chợ đảo này cũng hiếm cá. Mua cá cơm cũng không có. Toàn cá rác thôi”, vợ anh Dưỡng thở dài.
Cũng không nói đâu xa, chị Lý nói muốn ăn hải sản ở đảo phải đặt trước, các công ty du lịch họ chuẩn bị, chứ ra chợ đảo thì không có sẵn đâu: “Có mực, cá thu là chính. Cũng không nhiều”.
Giữa bốn bề mênh mông nước biển, nhưng lựa chọn hải sản lại ngày một thu hẹp đáng kể. Những cuộc chia tay biển, mỗi lúc một nhiều hơn.
Đảo mới
Bà Dân đang bảo lo đứa con trai tìm vợ. Năm xưa chồng bà nhân nghỉ trăng mà về bờ đi xem hát, rồi gặp và cưới bà. Nhưng ở đảo bây giờ, con trai khó kiếm vợ. “Đa số con gái ở đây nó đi ra bờ nó làm, lấy chồng xa không à, có thanh niên ở nhà giữ đảo không hà. Con trai mình chưa lấy vợ sao không lo, bữa nay con gái hiếm mà con trai dư mà”, bà cười xòa, “Giờ xấu tốt cũng kiếm đứa con dâu chứ. Con gái ở đây kén lắm”. Anh Dưỡng cũng phải tới khi nhờ người quen mai mối mới gặp được người vợ bây giờ, bởi nghề lênh đênh ngày tháng, chẳng gặp được đối tượng nào lâu dài.
Có điều đảo từ khi có điện đã vui hơn trước. Ngoài tiếng karaoke bù những ngày chưa có điện, nhiều công trình mới đã mọc lên. Năm 2014, xã có khoảng hơn 2.000 hộ dân, với hơn 7.000 nhân khẩu. Từ năm 2000 đến 2013, đã có hơn 500 nhân khẩu do điều kiện quá khó khăn bỏ đảo chuyển vào đất liền sinh sống. Năm 2021, toàn xã Nhơn Châu có khoảng 564 hộ, với khoảng 2.300 nhân khẩu. Giảm dân số âu cũng là câu chuyện thường thấy ở những hòn đảo nhỏ. Nhưng Nhơn Châu không còn biệt lập nữa. Ngoài tàu gỗ, cano chở khách ra đảo đã chuyên nghiệp hóa mỗi ngày 4 - 5 chuyến. Những khách sạn, homestay đã lục tục mọc lên, cả những người nơi khác đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Một lớp trẻ bắt đầu ở lại đảo, thay vì đi về bờ tìm kiếm cơ hội khác. Như anh ngư dân tên Khoản bảo, anh ở lại đảo vì không có ai trông nom mẹ. Ngoài đi biển, anh có thêm thu nhập từ việc đưa khách du lịch đi lặn ngắm san hô. Dù công việc dẫn khách đi tour cũng đổ mồ hôi chẳng kém những chuyến ra khơi. Anh cũng đang học cách chụp ảnh đẹp, học hỏi dần cách nói chuyện để giới thiệu du lịch: “Mình không giỏi ăn nói như hướng dẫn viên ngoài bờ, cũng khó lắm”. Bù lại, Khoản giỏi bơi lặn và am hiểu hiếm có về vùng biển mình sinh ra và lớn lên.
Nhiều công ty du lịch đã tìm đến Cù Lao Xanh, nhanh chóng tạo ra các tuyến điểm hấp dẫn. Mấy năm trước, trong một tọa đàm du lịch, khi đặt vấn đề tại sao không khai thác tuyến Cù Lao Xanh, giám đốc một công ty du lịch miền trung tần ngần rằng đảo đó không có bãi cát: “Đưa khách ra đảo mà không có chỗ cho họ tắm biển thì họ không đi đâu”. Ông giám đốc nuối tiếc dải cát trắng phau đẹp rực rỡ của Cù Lao Xanh hơn chục năm trước, khi mà những thay đổi từ cả thiên nhiên lẫn con người chưa biến, chưa tác động đến hòn đảo này. Nhưng sự đã rồi, dải cát không thể hồi sinh. Có điều, sau nhiều năm, những điểm check-in mới đã hình thành, cũng có cả những doi cát mới, đủ để người ta ngắm san hô, bơi lặn, chụp ảnh cho hành trình một ngày dã ngoại.
Buổi chiều ở Cù Lao Xanh, biển trong veo. Những đứa trẻ thoải mái lặn ngụp, bật tanh tách trong làn nước. Chợ Cù Lao Xanh lúc ba giờ, mùa này cũng không mấy xôn xao. Nghe đâu những bữa ăn thịnh soạn cho khách du lịch đều do các công ty đặt và chuẩn bị trước cả. Chứ trên đảo cũng chưa có nhà hàng nào.
Những chiếc ghe vẫn nằm yên lặng ngoài xa, chờ một mùa cá nào đó để lại được vươn khơi. Quách Tấn từng viết cửa Quy Nhơn là nơi chứng kiến bao cuộc hưng vong trong lịch sử, há gì mà hòn đảo chắn gió trước mỗi dâu bể kia, lại bớt đi được thăng trầm?
Theo Phương Mai-Thanh Tâm (NDĐT)