Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4: Người dân thờ ơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có chính sách miễn, giảm học phí đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) máy kéo nhỏ hạng A4 nhưng vẫn rất khó thu hút học viên. Vì thế, đến nay, toàn tỉnh mới có 182 người được cấp GPLX hạng A4, trong khi có khoảng 37.000 xe máy kéo nhỏ được người dân sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngày 12-11 vừa qua, 20 học viên đã tham gia kỳ sát hạch cấp GPLX máy kéo nhỏ hạng A4 tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai). Đây là kỳ sát hạch cấp GPLX hạng A4 đầu tiên của cả tỉnh trong năm 2022. Vừa hoàn thành phần thi của mình, anh Đinh Thôk (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Trước đây, khi được vận động đi học để được cấp GPLX công nông, tôi rất ngại vì bản thân không biết chữ. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, tôi đã đăng ký tham gia. Tôi thấy chương trình đào tạo rất dễ hiểu, trong quá trình học còn được các giáo viên hướng dẫn tận tình và được Trung tâm miễn giảm học phí nên tôi rất vui. Việc tham gia khóa học không chỉ giúp tôi có GPLX mà còn hiểu hơn về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển phương tiện để khi tham gia giao thông đảm bảo an toàn cho mình và người đi đường”.

 Một buổi học lý thuyết sát hạch cấp GPLX hạng A4 tại thị xã Ayun Pa. Ảnh: L.A
Một buổi học lý thuyết sát hạch cấp GPLX hạng A4 tại thị xã Ayun Pa. Ảnh: L.A


Ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4. Trong năm 2022, Sở đã chọn các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh và Phú Thiện làm điểm về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4. Các cơ sở đào tạo đều miễn 100% học phí (1,8 triệu đồng) cho 50 người đầu tiên và giảm 50% học phí cho những người tiếp theo.

Ngoài chính sách hỗ trợ về học phí, giáo trình đào tạo và sát hạch cấp GPLX hạng A4 cũng được Sở Giao thông-Vận tải xây dựng đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung cơ bản, kết hợp phương pháp đào tạo phù hợp, trực quan sinh động thông qua hình ảnh, video minh họa. Ngoài ra, giáo trình chọn lọc các thông tin, kiến thức gần gũi với các tình huống người điều khiển phương tiện bắt gặp và xử lý hàng ngày. Đặc biệt, người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ được sát hạch lý thuyết theo hình thức hỏi đáp. Tuy nhiên, việc tự giác đăng ký tham gia các khóa đào tạo, sát hạch lái xe hạng A4 trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Theo đó, cộng cả 20 học viên vừa qua khóa đào tạo trên thì toàn tỉnh mới chỉ có 182 người có GPLX hạng A4. Tỷ lệ người có GPLX hạng A4/tổng số phương tiện hiện có mới chỉ đạt hơn 0,4%.

Toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị đủ chức năng đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 là Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) và Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai). Mức học phí đào tạo, sát hạch từ 1,6 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người. Ông Đoàn Đức Hùng-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai-cho hay: Hiện nay, chương trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 được xây dựng rất chi tiết, dễ hiểu và đáp ứng cho tất cả các học viên theo học, kể cả người không biết đọc, viết tiếng Việt. Lâu nay, vấn đề khó nhất khiến học viên e ngại là các thao tác thi sát hạch GPLX trên máy vi tính. Nhưng với giáo trình mới, chỉ cần giáo viên hướng dẫn 2 buổi là học viên có thể nắm bắt được, thời gian tham gia khóa học cũng chỉ 13-15 ngày. Bên cạnh đó, sau khi làm việc với Sở Giao thông-Vận tải, Công ty đã thống nhất hỗ trợ 50% học phí cho tất cả các học viên đăng ký (hiện còn 800 ngàn đồng). Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thu hút học viên tham gia các khóa đào tạo gặp nhiều khó khăn khi người dân vẫn thờ ơ với việc học lấy GPLX hạng A4.

Qua phân tích thì nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà tham gia các khóa đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 là do chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và chưa phân tích để người dân hiểu được các cơ chế, chính sách mới, những quyền lợi mà học viên được hưởng. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện xe máy kéo nhỏ không có GPLX của các cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe, còn cả nể nên người dân chủ quan, thờ ơ với việc tham gia các khóa đào tạo.

“Để thu hút được nhiều người dân tham gia các khóa đào tạo rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, người dân nắm rõ các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến xe máy kéo nhỏ. Bên cạnh đó, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp xã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh, đào tạo; đặc biệt là cung cấp danh sách, thông tin cụ thể về người dân chưa có GPLX và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện đào tạo cho người dân ngay tại địa bàn cư trú”-ông Minh nhấn mạnh.

 

LÊ ANH
 

Có thể bạn quan tâm