Đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cho người DTTS: Còn nhiều bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm tạo điều kiện cho người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thấp trong việc thi sát hạch lái xe mô tô (hạng A1). UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định 21/2010-UBND cho phép triển khai tổ chức thi vấn đáp đối với người không đọc, không viết được tiếng Việt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã vấp phải những khuất tất trong việc xác nhận “mù chữ” cho các đối tượng này.

Chủ trương đúng

Là một tỉnh có tới 48% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Jrai và Bahnar) vì vậy nhu cầu học lấy giấy phép lái xe mô tô là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau mà trình độ học vấn của người đồng bào dân tộc thiểu số đủ để đáp ứng việc thi lý thuyết trên máy vi tính chiếm tỷ lệ không nhiều. Để đưa ra giải pháp phù hợp cũng như tạo sự công bằng trong thi cử, tỉnh đã có Quyết định 21/2010-UBND về việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp.
 

Tổ chức thi vấn đáp lý thuyết cho người DTTS có trình độ văn hóa thấp. Ảnh: Lê Lan
Tổ chức thi vấn đáp lý thuyết cho người DTTS có trình độ văn hóa thấp. Ảnh: Lê Lan

Theo đó quy định bản thân giáo viên giảng dạy lái xe tại các lớp đào tạo lái xe hạng A1 phải có thêm khả năng truyền đạt bằng tiếng Jrai hoặc Bahnar. Trường hợp không biết thì phải hợp đồng với người biên dịch để cùng tham gia giảng dạy. Nội dung chương trình đào tạo được biên soạn riêng, phương pháp đào tạo linh hoạt, chủ yếu là hình ảnh, hỏi đáp. Bộ đề sát hạch cũng được soạn khá giản đơn chủ yếu là hình ảnh, gồm 10 câu hỏi lý thuyết (bình thường là 15 câu) chỉ cần trả lời đúng 7 câu là đạt ( bình thường là 12 câu). Bên cạnh đó, những người dân tộc thiểu số (DTTS) có trình độ học vấn thấp phải là người chưa tốt nghiệp bậc tiểu học hoặc không đọc, không viết được tiếng Việt và được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận. Cá nhân người đó phải chịu trách nhiệm về cam kết của mình trước pháp luật.

Nhờ quyết định trên, mà nhiều người DTTS có trình độ văn hóa thấp đã có cơ hội thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô. Hồi hộp chờ đến lượt thi vấn đáp tại Trường Trung cấp nghề số 15 (TP. Pleiku) Chị Honh ở xã Hà Bầu (huyện Đăk Đoa) cho biết: “Nhà mình mới mua xe máy nên hôm nay đi thi lấy bằng để đi”, còn bạn chị ngồi bên cạnh thì bẽn lẽn: “Trước đây mình không dám thi vì không biết chữ, đi ra đường bị công an bắt 3- 4 lần rồi. Nghe nói bây giờ thi vấn đáp rất dễ nên gia đình động viên mình đi thi”.


Là một trong 5 người vượt qua được kỳ sát hạch lý thuyết trên tổng số 16 người dự thi trong phòng, Bác Pía (Hà Bầu, Đăk Đoa) phấn khởi nói: “Mình 63 tuổi rồi, thi qua được mình mừng lắm”.

Sinh năm 1994 vẫn “mù chữ” ?

Theo ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý phương tiện - Người lái, Sở Giao thông Vận tải thì Gia Lai là một trong những tỉnh hiếm hoi tổ chức mô hình này và đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, rất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Không chỉ tạo điều kiện cho người DTTS trình độ văn hóa thấp có nhu cầu học mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, trong quá trình triển khai lại phát sinh nhiều vấn đề khuất tất trong việc xác nhận mù chữ tại địa phương.
 

Thi thực hành lái xe môtô hạng A1. Ảnh: Lê lan
Thi thực hành lái xe môtô hạng A1. Ảnh: Lê lan

Minh chứng điều này ông Kiên cho biết: Theo báo cáo số 54/BC-UBND ngày 28-5-2010 của UBND tỉnh Gia Lai về quá trình thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở giai đoạn 2001-2009 thì phổ cập giáo dục bậc tiểu học của tỉnh đạt 97,6%, nghĩa là tỷ lệ người có trình độ học vấn thấp còn rất ít (số trẻ trong độ tuổi đi học chưa được phổ cập giáo dục tiểu học chỉ còn 2,4%). Trong khi đó, theo thống kê của Sở từ tháng 4 đến tháng 6-2012 đã có tới 573 thí sinh người DTTS có trình độ thấp trên tổng số 1.051 thí sinh là người DTTS tham gia sát hạch (chiếm 54%). Đặc biệt, số người dự sát hạch là người DTTS có trình độ học vấn thấp nằm trong độ tuổi có năm sinh từ 1986 đến 1994 là 236 thí sinh (chiếm 46%).

Rõ ràng nếu đem so sánh 2 tỷ lệ trên sẽ thấy sự bất hợp lý giữa vấn đề đào tạo phổ cập tiểu học của ngành giáo dục và vấn đề xác nhận trình độ thấp của địa phương. “Trên thực tế, trong quá trình tổ chức sát hạch, Sở Giao thông vận tải nhận thấy rất nhiều trường hợp là người DTTS biết đọc, biết viết thành thạo (đặc biệt là những người sinh năm 1986-1994) nhưng vẫn đăng ký dự sát hạch theo diện trình độ học vấn thấp” - Ông Kiên cho biết.

Vấn đề này đã được Sở Giao thông vận tải làm công văn gửi đến các huyện, thị xã, thành phố đề nghị kiểm tra việc xác nhận trình độ học vấn thấp cho người DTTS, tránh tình trạng lợi dụng quy định của nhà nước trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đăng ký dự sát hạch không đúng đối tượng. Thế nhưng, mới đây tại kỳ sát hạch giấy phép lái xe mô tô ngày 17-9-2012 của Trường Trung cấp nghề số 15 thì tỷ lệ người DTTS trình độ văn hóa thấp dự sát hạch vẫn cao (82/421 tổng số người dự thi). Chỉ tính riêng xã Hà Bầu (huyện Đăk Đoa) đã có 76 người đăng ký dự sát hạch, trong đó có tới 52 người trong độ tuổi sinh năm 1986-1994 (chiếm tỷ lệ 68%).

Đây là nhưng con số đầy nghi vấn, nếu đúng thì ngành giáo dục cần phải xem xét lại, còn nếu sai thì rõ ràng địa phương đã quá “tắc trách” khi xác nhận.

                             Lê Lan

Có thể bạn quan tâm