Khi TP.HCM thông tin bước đầu về giải pháp siết chặt giãn cách xã hội từ 23.8, thì liền sau đó trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh gán ghép, tung tin giả cho rằng TP.HCM 'thiết quân luật', 'giới nghiêm' dẫn đến gây xôn xao, hoang mang.
Cơ quan chức năng TP.HCM khẳng định thông tin 'TP.HCM sẽ sử dụng thiết quân luật, lệnh giới nghiêm' là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Ảnh: T.L |
Khoảng từ trưa 20.8, một số hình ảnh người lính mặc đồ bảo hộ ôm súng, xe bọc thép… lan truyền trên mạng xã hội với những dòng tít giật gân cho rằng TP.HCM sẽ sử dụng "thiết quân luật”, “lệnh giới nghiêm”.
Theo xác minh của cơ quan chức năng TP.HCM, các hình ảnh này hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, lan truyền gây hoang mang dư luận sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin từ 0 giờ ngày 23.8, người dân thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó”.
Cụ thể, người lính mặc đồ bảo hộ ôm súng là không rõ nguồn gốc. Riêng hình ảnh các xe thiết giáp BTR-152, BTR-60PB trong hình là nằm trong buổi diễn tập khu vực phòng thủ ở Hải Phòng trước đó, chứ không phải ở TP.HCM.
Hình ảnh những người lính mặc đồ bảo hộ ôm súng là không rõ nguồn gốc |
Theo khẳng định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, vào thời điểm trước 23.8, TP.HCM xác định tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất lây lan dịch bệnh Covid-19. Đây không phải là chuyện “thiết quân luật”, mà chỉ là biện pháp giãn cách tăng cường. TP.HCM hoàn toàn không thực hiện phong tỏa từ 23.8, đặc biệt cũng như không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Để đảm bảo hiệu quả biện pháp giãn cách tăng cường, TP.HCM sẽ tăng cường thêm lực lượng gồm: y tế, công an, quân đội, công chức, tình nguyện viên; bổ sung phương tiện máy móc thiết bị, xe xét nghiệm, dụng cụ xét nghiệm và thuốc…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định những ngày qua, lực lượng vũ trang tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch trên các mặt công tác từ kiểm soát đi lại, hỗ trợ người dân khó khăn, điều trị bệnh nhân Covid-19…
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định TP.HCM thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường, là một bước nâng cao, có sự tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để đạt hiểu quả cao nhất, để đến ngày 15.9 TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh để tiến tới sớm đưa cuộc sống trở về bình thường.
Giả danh công an, đăng tin sai sự thật Ngày 11.8, Phan Phi Toàn (33 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM; hành nghề tài xế) sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân để đăng tải trên fanpage “Chợ Tăng Nhơn Phú A” với nội dung: “Cho tôi hỏi đồng chí nào tổ trưởng khu phố 4, Tăng Nhơn Phú A, Q.9, Thủ Đức đã die (chết - PV) vì dịch chưa vậy, tiền ở trên đưa xuống đâu? Danh sách hộ nghèo gửi lên đâu? Lương tâm của đồng chí ở đâu? Cầu cho Covid sớm ghé thăm đồng chí”.
Sau đó, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã vào cuộc điều tra, đưa Toàn về trụ sở làm việc. Qua điều tra, công an xác định Toàn sử dụng trang phục CAND, đeo bảng tên Phan Phi Toàn, chức vụ Phó đội trưởng và một bảng tên khác với chức vụ Phó phòng Tổng hợp thuộc Công an Q.3. Toàn khai nhận mua trang phục CAND trên mạng với giá 1 triệu đồng để qua chốt chống dịch. Công an còn thu giữ một roi điện, một gậy 3 khúc. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức tiếp tục điều tra Phan Phi Toàn về hành vi giả danh lực lượng Công an nhân dân (CAND), sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook đăng bài viết với nội dung sai sự thật. Trần Tiến |
“Gỡ bài viết trước rồi làm việc sau”
Về quy trình xử lý tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc, Chánh thanh tra Sở TT - TT TP.HCM Nguyễn Đức Thọ cho biết khi phát hiện nội dung bài biết, video sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, xúc phạm tổ chức và cá nhân, thì việc đầu tiên là Sở đề nghị chủ tài khoản liên quan gỡ liền khỏi mạng xã hội.
Theo ông Thọ, bên cạnh các bài viết, nhiều video được người dân quay lại một sự việc tại địa phương này, nhưng xuyên tạc thành sự việc phổ biến trên phạm vi rộng, các video này tiếp tục được các tài khoản khác chia sẻ. Những video không đúng sự thật như vậy cũng được cơ quan chức năng đề nghị xóa ngay, hạn chế tốc độ lan truyền tin thất thiệt, xuyên tạc trên không gian mạng.
Lãnh đạo Thanh tra Sở TT - TT TP.HCM cho biết các bài viết vi phạm đều bị xử lý, không phân biệt chủ tài khoản là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng rộng... Trong đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung xem xét các tài khoản có độ lan tỏa lớn, nhiều người theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời. Trên thực tế, có nhiều bài viết không phải của người không nổi tiếng nhưng được lan tỏa rộng rãi, nếu nội dung vi phạm thì sẽ tập trung xử lý, ngăn chặn thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội. Trong một số tình huống khẩn cấp, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn kịp thời, tránh thông tin xấu tiếp tục phát tán.
Ông Thọ cho biết sau khi xác minh, nếu chủ tài khoản đang sinh sống ở TP.HCM thì Thanh tra Sở TT - TT sẽ mời lên làm việc và xử lý vi phạm hành chính (nếu có); trong trường hợp chủ tài khoản ở các địa phương khác thì chuyển cơ quan thẩm quyền các địa phương và Bộ TT - TT để phối hợp xử lý nhanh, kịp thời, có kết quả.
Vẫn đang điều tra vụ “bác sĩ Trần Khoa” Ngày 30.8, Chánh thanh tra Sở TT - TT TP.HCM Nguyễn Đức Thọ cho biết, liên quan vụ “bác sĩ Trần Khoa” (hư cấu về việc nhường ống thở của mẹ ruột để cứu sản phụ song sinh trong bệnh viện), cơ quan công an đang tiếp tục xác minh có hay không các tài khoản Facebook có hành vi giả mạo thông tin để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.
Giữa tháng 8.2021, Sở TT - TT TP.HCM đã xác định được 3 chủ thể đăng ký tài khoản mạng xã hội Facebook liên quan đến vụ việc “bác sĩ Trần Khoa”, gồm: “JK”, “HMAĐ” và “NHT”. Theo đó, Thanh tra Sở đã gửi thư mời đến để làm việc, nhưng cả 3 chủ tài khoản này kiến nghị dời buổi làm việc “sang thời điểm phù hợp” khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện 3 chủ tài khoản cũng đã gửi bản giải trình tới Sở TT - TT TP.HCM. Sỹ Đông |
Theo Phan Thương-Sỹ Đông (TNO)