Thời sự - Bình luận

Đất nước phát triển bền vững khi bộ máy công quyền liêm chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những vấn đề được cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm lúc này là liệu cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng của Đảng có tiếp tục giữ được khí thế “đốt lò” như lâu nay đã làm?

Câu trả lời đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Không chỉ tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh ấy mà còn phải tiến hành song song với phát triển kinh tế đất nước.

Sở dĩ đặt ra vấn đề này là vì, điều băn khoăn ấy đã được nêu chính thức tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cách đây vài tuần, rằng: Liệu việc kỷ luật nhiều cán bộ như thế có khiến cán bộ sợ mà không dám làm, cản trở quá trình phát triển của đất nước?

Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Có lẽ hiểu được những điều băn khoăn đó mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực đã thẳng thắn khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không ngừng nghỉ”, “không vùng cấm”, “không ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Song, người đứng đầu Đảng-Nhà nước ta cũng nhấn mạnh yêu cầu “phòng-chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực mà làm ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế-xã hội”.

Thực tế thời gian qua đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, công chức vì sợ trách nhiệm mà né tránh, đùn đẩy, chậm hoặc không xử lý công việc trong phạm vi chức trách của mình; thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…

Hiệu quả làm việc của bộ máy công quyền có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc được giao; chưa đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng không ngăn cấm cán bộ tốt làm việc tích cực mà chỉ ngăn chặn cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cấu kết với doanh nghiệp, làm méo mó các quan hệ kinh tế, tham ô, hối lộ, rút ruột nguồn lực quốc gia, gây mất niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước.

Đấu tranh phòng-chống tham nhũng là để loại ra khỏi bộ máy những phần tử sâu mọt chứ không phải làm cho cán bộ không dám làm, bộ máy công quyền “trì trệ”, cản trở kinh tế phát triển như một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang tìm cách rêu rao để làm nản lòng các nhà đầu tư.

Thực tế chứng minh, đấu tranh phòng-chống tham nhũng là để bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Nên không vì đẩy mạnh cái này mà cản trở cái kia, đúng với phương châm “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”.

Thử hỏi, nếu những cái bắt tay giữa một số quan chức hư hỏng với doanh nghiệp trong những vụ án tham nhũng như Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Đại Ninh, Thuận An, Phúc Sơn Group, Xuyên Việt Oil… không được phát hiện và đấu tranh kiên quyết thì sao chúng ta có thể loại bỏ ra khỏi bộ máy lãnh đạo những “con ngáo ộp”, những “bầy sâu” tham nhũng “ăn của dân không từ một thứ gì”!

Tai hại hơn, những “con ngáo ộp” ấy nếu tiếp tục nấp trong cái vỏ bọc đảng viên, cán bộ lãnh đạo nhưng rủng rỉnh những bọc tiền đô la cùng đủ loại mánh khóe bòn rút tiền bạc, tài sản quốc gia còn tồn tại; rồi luồn sâu, leo cao lên hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và các địa phương trong nhiệm kỳ tới, thì thử hỏi, tương lai đất nước sẽ như thế nào?

Những con số tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, kinh tế-xã hội của đất nước đã phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Kinh tế quý II tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ (6%) và các tổ chức quốc tế.

Điều dễ thấy là đầu tư công đang phát huy hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư; nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước. Hơn 2.000 km đường cao tốc đã được đưa vào sử dụng cho thấy mục tiêu đạt 3.000 km vào cuối năm 2025 là khả thi. Đường dây 500 kV mạch 3 đã kết nối, Sân bay Quốc tế Long Thành cơ bản đã thành hình là minh chứng của tinh thần năng động, ý chí quyết tâm của Chính phủ trong phát triển kinh tế.

Đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi có một bộ máy công quyền thực sự liêm chính, vì dân, vì doanh nghiệp. Vì vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất định phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để bộ máy lãnh đạo ngày càng trong sạch, vững mạnh. Mà đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng là một trong những mũi tiến công hiệu quả, có tính đột phá để thực hiện mục tiêu này.

Có thể bạn quan tâm