Đất trời, biển đảo mãi là Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi nhiều, viết khỏe, sở trường ở thể ký, có duyên với ghi chép, các tác phẩm báo chí của nhà báo Lê Bá Dương-phụ trách văn phòng Báo Văn hóa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên luôn đem đến cho bạn đọc niềm thú vị, mở rộng biên độ cảm xúc, tạo được sự đồng điệu trong cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống. Bốn lần đến với Trường Sa, lần nào cũng bộn bề cảm xúc và phong phú tác phẩm về miền đất thiêng liêng, đầy kiêu hãnh này của Tổ quốc; đối với ông, đây luôn là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Trao đổi với Báo Gia Lai, nhà báo Lê Bá Dương cho biết:

Nhà báo Lê Bá Dương tại đảo Sinh Tồn lớn trong chuyến đi quần đảo Trường Sa tháng 12-2003.
Nhà báo Lê Bá Dương tại đảo Sinh Tồn lớn trong chuyến đi quần đảo Trường Sa tháng 12-2003.

Thật may mắn khi trong 4 năm liền, từ năm 2003 đến năm 2006, tôi đều được đến với Trường Sa, năm nào cũng vào mùa dông gió; được cánh lính đảo gọi bằng cái tên rất thân tình: Bác Cả Trường Sa. Sau những chuyến đi như thế, tôi đã có hàng loạt các bài viết, có thể kể đến như: Đất nước nhìn từ bến bờ Trường Sa, Phong tục Trường Sa, Trường Sa-nơi đồng đội hóa hồn, Đảo xa vẫn một tiếng làng… Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, tôi đều có một bài viết về các con vật ở trên đảo, như: Những chị dậu ở Trường Sa, Chị lợn ở Trường Sa, Những anh chị tuất ở Trường Sa… Năm 2004, gom những tấm ảnh ưng ý nhất về Trường Sa, tôi tổ chức triển lãm ảnh cá nhân với chủ đề “Khoảnh khắc ở Trường Sa”, với 43 tác phẩm. Ngay sau khi triển lãm kết thúc, bộ ảnh đã được tôi gửi tặng cho những người lính ở Trường Sa. Hiện tôi cũng đang chuẩn bị làm một triển lãm về biển đảo Việt Nam.

* Qua mỗi trang viết, mỗi tấm ảnh ca ngợi vẻ đẹp, cuộc sống của những người lính, những người dân nơi huyện đảo Trường Sa của ông, tôi lại thấy hiểu hơn, yêu hơn quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Gần đây, tôi còn đọc và rất thích những câu thơ ông viết về miền đất thiêng liêng này!

- Nhà báo Lê Bá Dương: Cảm ơn chị đã đọc và thích những dòng thơ ấy. Đây là những vần thơ được tôi viết rất nhanh, ghi lại những cảm xúc rất thực khi đến với Trường Sa. Bài “Thấy ở đảo Đá Nam” là một trong số đó: “Chợt từ bờ đảo Đá Nam/ Thấy biển xanh, cứ nhuộm lam mây trời/ Biển lành cánh én thảnh thơi/Súng nguyên ánh thép, giữ lời nước non”. Trong những ngày biển bờ Tổ quốc đang nóng trước việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập trái phép vào thềm lục địa Việt Nam, tôi cũng có đôi vần thơ bày tỏ thái độ của mình: “Muôn thuở thắng thù bằng đức trí/ Ngàn lần xua giặc bởi nhân tâm/Đạo nghĩa cha ông truyền khát vọng/ Vạn kiếp cháu con tạc trong lòng”. Tôi viết như vậy là bởi: “Đến Trường Sa, gặp Hoàng Sa/ Đất trời, biển đảo mãi là Việt Nam”.

Sau khi những bài thơ này được đưa lên trang cá nhân, tôi nhận được rất nhiều ý kiến bày tỏ tình yêu đối với Tổ quốc, sự phản đối những hành động ngang ngược, vô lối của Trung Quốc của rất nhiều bạn bè. Và, không chỉ viết thơ, tôi còn viết kịch bản, lời bình cho phim phóng sự “Trường Sa và câu chuyện những người lính hóa hồn vào biển”. Phim do Đài Truyền hình Khánh Hòa (KTV) thực hiện, sau khi phát sóng, phim cũng nhận được sự quan tâm của khán giả.

 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

* “Đến Trường Sa, gặp Hoàng Sa/ Đất trời, biển đảo mãi là Việt Nam”, chỉ với hai câu thơ này, ông đã nói hộ tấm lòng của biết bao người Việt Nam yêu nước. Tuy nhiên, tôi vẫn rất muốn được nghe những suy nghĩ của ông trước vụ việc Trung Quốc hạ, đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.

- Nhà báo Lê Bá Dương: Là một công dân từng mặc áo lính, ăn trong đạn, ngủ trong bom, góp một phần nho nhỏ của mình vào công cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, nay thấy “người láng giềng xấu tính” lại giở bài xâm lấn bờ cõi, tôi vô cùng bức xúc, chỉ muốn: Thêm một lần đầu quân theo Thánh Gióng/ Dựng lũy tre ngà, hướng súng sắt đuổi giặc Tàu. Trong dòng sử Việt Nam-Việt Nam không bao giờ sợ Trung Quốc, đó là điều mà dân tộc Việt Nam đã khẳng định. Điều đó đã được chứng minh qua lịch sử. Chúng ta hoàn toàn có đủ ý chí, và khả năng tập trung sức mạnh quân sự, để đối mặt và thắng trong mọi cuộc chiến, song chúng ta cũng đủ tỉnh táo để không mắc mưu kẻ thù.

Trước cách hành xử trái phép của Trung Quốc, cũng như lời Vua Quang Trung xưa “Binh đao giữa hai nước láng giềng không thể là hạnh phúc của muôn dân”, tôi cho rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam vô cùng bình tĩnh, tự tin ngay cả trong biển réo, lòng người dân sục sôi là đúng đắn, bởi tôi hiểu, việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước là điều Việt Nam đang hướng tới. Những bước hành xử của các chiến sĩ Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư… trong giải pháp “tấn công mềm” trong những ngày qua đã chứng minh thái độ cứng rắn, kiên quyết thực thi quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, qua đó đã tập hợp được sự đồng thuận của lòng người Việt Nam và quốc tế.

Dĩ nhiên chúng ta hiểu, cách hành xử của các lực lượng đối mặt với kẻ xâm lấn đó phải xuất phát từ những “nước tiến” của Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Những “nước tiến” chắt lọc từ Binh thư tổ tiên và được vận dụng từ phương châm quân sự: biết chiến, biến thắng… một phần trong hệ Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vâng, chiến tranh thì dễ nhưng để tránh một cuộc chiến có thể tránh được mới là vấn đề cần cân nhắc để giữ vững một Việt Nam sống trong hòa bình, ổn định về kinh tế, vững mạnh về quân sự. Đó mới là cái tầm cầm tài, dẫn lược của Đảng, Nhà nước ta đã, đang kế thừa, phát huy từ phương lược dựng nước, giữ nước của tổ tiên.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Thu Huế (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm