Dấu ấn A Dơk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khá lâu rồi tôi chưa về thăm lại vùng quê A Dơk (huyện Đak Đoa) nhưng qua đồng nghiệp, tôi vẫn biết ở đó giờ đây đã có quá nhiều đổi thay. Nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”, tôi đã “mục sở thị” xứ này vào một ngày trời không được đẹp mới đây, tuần thứ hai-tháng 7...
Già Wich… dân vận

Trên chiếc ô tô 4 chỗ, từ chân dốc Hàm Rồng trên đường 19 hướng TP. Pleiku ra, chúng tôi rẽ trái chừng một cây số, sau đó lại một lần rẽ trái nữa là vào con đường liên xã phẳng phiu dẫn về A Dơk.

Ảnh: B.H
Ảnh: B.H
Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã, chủ yếu vẫn những gương mặt người quen, tuy có đôi chút đổi thay bởi thời gian so với mấy năm trước-những lần tôi đã gặp, nhưng vẫn còn đâu đây những điều chưa cũ. Hồ hởi, vui vẻ nói về những đổi thay của từng làng, từng thôn của xã mình, bác Wich trước đây là Chủ tịch Mặt trận, “giờ… già rồi, chỉ làm cán bộ dân vận thôi; Mặt trận-có chức, còn giờ, dân vận không có chức lãnh đạo nữa, nhưng công việc thì vẫn là làm cho bà con dân làng luôn vui vẻ, luôn chăm chỉ làm ăn, không nghe kẻ xấu xúi giục làm việc bậy… vẫn y như cũ, vẫn là công việc của ông già Wich đây”. Nói xong phần mình, bác Wich vội bắt tay tôi để lại đi xuống làng “làm việc dân vận”. Nhìn theo dáng đi đã có dấu hiệu của người thuộc về U70, nhưng uy tín và trách nhiệm của già Wich thì ai là người của A Dơk mà chẳng biết. Cái thời những năm đầu thập kỷ này, A Dơk là điểm “nóng”, mấy lần bọn phản động FULRO và Đê-ga tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, bắt ép một bộ phận bà con dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đi biểu tình bạo loạn, chống chính quyền là bấy nhiêu lần có người dân A Dơk tham gia. Công việc đồng áng ruộng nương bị bỏ bê, làng thôn buồn hơn cả khi có… chuyện buồn.


Những năm tháng ấy già Wich-người con Bahnar của làng là một trong những cán bộ “đứng mũi chịu sào” của xã, ngày đêm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ vui buồn với người của các làng, qua đó tìm hiểu, biết được tâm tư, nguyện vọng của bà con; “tìm được bệnh” già Wich cùng bàn thảo với lãnh đạo để “tìm thuốc chữa” và những “bài thuốc” hay của già Wich đã chữa được “bệnh” của một số bà con lầm đường lạc lối, làm cho họ đã dần trở lại với làng, dần hiểu ra đâu là lẽ phải để theo, chuyện trái để tránh.

Tiếp sức cho làng

Sau vụ bạo loạn lần hai, đầu tháng 4-2004, A Dơk được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Báo Gia Lai phụ trách. Những ngày đầu “tiếp nhận” với một xã được xếp vào hàng yếu kém cả về an ninh chính trị, cả về kinh tế-xã hội, với một chi bộ 26 đảng viên mà trên bảo… dưới chẳng nghe nên bị xếp vào hàng yếu kém liền mấy năm. Một tài liệu được ban hành gọi là “đề án” do Báo Gia Lai “thiết kế” sau thời gian ngắn tìm hiểu, khảo sát nhiều lần, đem ra tập thể lãnh đạo của hai đơn vị-Báo và xã thảo luận và đi đến thống nhất. “Chiếc gậy” ấy đã tiếp sức cho A Dơk đến bây giờ. Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Lê Trọng Đoàn không ngớt nói lời vui-giờ xã đã có 70 đảng viên rồi, tất cả các làng đều có chi bộ, có trên phân nửa đảng viên là người dân tộc thiểu số và liên tục mấy năm qua được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã gồm một Bahnar, một Jrai. Nội bộ ban lãnh đạo tuy nhiều người nhưng như là một, cùng bàn việc, cùng thống nhất việc và cùng làm việc. Dân tin, dân nghe, dân làm theo!

A Dơk không thuộc vùng sâu, vùng xa, không thuộc diện nơi được nhận nhiều ưu đãi của Nhà nước, muốn vươn lên phải tự thân vận động là chủ yếu. Và sự “tự thân” ấy đã đem lại cho A Dơk một diện mạo như ngày nay. Với 10 thôn làng, chỉ có một làng người Kinh, một Jrai, còn lại là bà con Bahnar. Gần 5.300 nhân khẩu, đất đai không nhiều, không có những công trình hạ tầng sản xuất hỗ trợ. Thế nhưng, giờ A Dơk đã có thể coi là vùng nông thôn kiểu mẫu được rồi, những tiêu chí chủ yếu theo yêu cầu của đề án nông thôn mới đã hiện hữu ở đây. Từ điện, đường, trường, trạm đến tỷ lệ hộ nghèo, đội ngũ cán bộ… gần như hoàn thiện. Nói chuyện với tôi, Phó Bí thư Đoàn cho biết, chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa (trong năm nay sẽ làm) là cả hàng chục cây số đường trong các thôn, liên thôn hoàn thành nhựa hóa. Ngoài những loại cây trồng truyền thống như lúa, bắp, khoai, mì, rau củ quả… xã còn có 220 ha cây cao su tiểu điền sắp cho thu hoạch, chưa kể gần 200 ha cao su quốc doanh với một nông trường làm chỗ dựa cho bà con. Cà phê, hồ tiêu nhà nào cũng có, trên rẫy, trong vườn đâu đâu cũng rợp màu xanh, hứa hẹn cho một tương lai no ấm. Đó là những loại cây trồng không chỉ giảm nghèo mà sẽ còn giúp bà con nơi đây làm giàu bền vững. Trường học và trạm y tế vốn đã có, đã hoạt động gần như ổn định từ lâu giờ đang được tiếp tục đầu tư kiên cố và mở rộng. Anh Đoàn còn cho hay, xã đang thuyết phục cấp trên cho mở phân hiệu trường cấp III và nâng cấp trạm y tế lên tầm khu vực. Việc này đang được xem xét và khả năng khả thi gần như đã cận kề.

Tôi chia tay A Dơk với niềm vui của người đã từng cùng “thiết kế” một kiểu “tiếp sức” cho làng mà hôm nay sau bao lâu trở lại thấy hiệu quả đã rành rành-một cộng đồng A Dơk bình yên đang trên đường hướng tới giàu có, sung túc, ấm no và hạnh phúc! Hơn 30 phút xe chạy tôi đã lại về Pleiku. Về đến Pleiku rồi mà trong tôi “dấu ấn A Dơk” vẫn như còn theo mãi…
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm