“Mất một chân đâu phải mất tất cả, tôi vẫn muốn góp sức mình để những đứa trẻ vùng cao biết đọc, biết viết. Trừ khi nghề bỏ tôi, chứ bản thân nhất quyết không bỏ nghề”, cô giáo Vì Thị Nhân, giáo viên điểm trường Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) khẳng định với chúng tôi như thế. Những lời khẳng định ấy cho thấy một tình yêu nồng nàn với công việc, và tình yêu với nghề sẽ còn bay xa, bay cao mãi nơi thung lũng Lóng Luông.
Những ngày tháng 11, khi những cánh rừng hoa mận, hoa mơ bắt đầu chớm nở, chúng tôi đến thăm điểm trường Săn Cài, xã Lóng Luông… Ngay từ đầu điểm trường chúng tôi đã nghe thấy đâu đó tiếng ê a học chữ trong lớp học phía xa xa… Sau một thời gian dài gặp lại, cô giáo Nhân vẫn vậy, vẫn giữ trên môi nụ cười tươi và sự vui vẻ như những ngày mới gặp, càng nghe những lời tâm sự, tôi lại càng thấu hiểu và khâm phục ý chí và tinh thần vượt qua khó khăn của cô.
Cô giáo Vì Thị Nhân mất chiếc chân phải sau một vụ tai nạn. |
Tháng 11/2018, vụ va chạm với xe tải trên đường đi làm về, khiến cô giáo Nhân mất vĩnh viễn chiếc chân phải. Và từ đây, một cuộc sống mới bắt đầu, những cung bậc cảm xúc thật khó diễn tả thành lời. Làm giáo viên đã khó, làm giáo viên vùng cao lại càng khó khăn gấp bội phần…
Ngược dòng những ngày tháng cũ, năm 2008, cô gái người dân tộc Thái Vì Thị Nhân được điều động về công tác tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ) ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Ngày mới ra trường, cô Vì Thị Nhân được phân công nhận nhiệm vụ giảng dạy tại điểm bản Suối Bon, ngày ấy lớp có 16 học sinh, đều là người dân tộc Dao, các em đều có độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Điểm bản cách nhà gần 30 km, nếu đi trong ngày thì cả đi và về gần 60km, sáng đi trời mù giăng lối, lúc về sương cũng phủ kín đường. Đi lại vất vả khôn cùng. Có những ngày đến lớp thì ngã nhoài ra đường. Cứ ngã lại lồm cồm bò dậy, chân tay bầm tím, đau điếng người, nhiều khi khóc òa như một đứa trẻ vì tủi, nhưng rồi lại gạt nước mắt để đi tiếp vì học sinh điểm bản đang chờ.
Cắm bản Suối Bon được 4 năm, cô giáo Nhân được điều chuyển về điểm trường Lũng Xá - Tà Dê (vẫn thuộc Trường Mầm non Lóng Luông). Những ngày tháng ấy, Lũng Xá – Tà Dê chìm trong khói thuốc phiện, nhà nhà nghiện, người người nghiện, có những khoảng thời gian người nghiện ở Lũng Xá – Tà Dê còn nhiều hơn người không nghiện.
Cắm bản ở vùng cao, vận động trẻ đi học đã khó, làm hồ sơ xin trợ cấp xã hội cho học sinh trong bản cũng không phải là chuyện dễ dàng, chẳng thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần cô giáo Nhân bị gia đình, bố mẹ các em học sinh đuổi thẳng thừng… Có những lần tủi thân đến phát khóc.
Tháng 11/2018, vụ va chạm với xe tải trên đường đi làm về, khiến cô Vì Thị Nhân mất đi chiếc chân phải vĩnh viễn. Nhớ lại những ngày tháng đó, khi cô giáo Nhân vừa trở lại công tác tại điểm trường Săn Cài được 2 tháng, sau khi sinh con thứ hai. Khi biết tin vợ mình gặp tai nạn nặng, anh Cầm Trung Thông không khỏi bàng hoàng, tưởng chừng chân đi không vững, nhưng vẫn cố sốc lại tinh thần, bởi anh xác định mình chính là nguồn động lực lớn nhất mà vợ cần lúc này.
Đưa vợ xuống bệnh viện ở Hà Nội, trên đôi mắt người đàn ông ấy vẫn trực trào nước mắt, thương vợ vất vả sớm hôm, nay lại gặp tai nạn. Lúc này trong suy nghĩ của anh chỉ cần biết phải tìm được bác sỹ giỏi với hy vọng giữ được đôi chân cho vợ. Nhưng, mọi hy vọng hóa thành vô vọng khi vết thương quá nặng, bác sĩ khuyên nên cắt bỏ qua đầu gối để giữ lại tính mạng cho vợ.
Tỉnh lại sau ca mổ, cô giáo Nhân đau đớn nhìn chiếc chân từng lành lặn, nay đã mất, quấn băng trắng ngang đùi. Kể lại giây phút đó cô giáo Nhân không kìm được lòng, cô kể “Lúc này trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là chị sẽ là kẻ tàn phế, làm khổ gia đình, không biết có được đến lớp nữa hay không”.
Hành trình gieo mầm xanh nơi “thung lũng trắng” không mệt mỏi. |
Hai tháng sau vụ tai nạn, cô giáo Nhân ngỏ ý được đi làm lại vì nỗi nhớ học trò vẫn hàng ngày giằng xé trong tâm khảm cô. Khi nhận được ý ngỏ dược quay trở lại lớp học, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) ngay lập tức đồng ý. Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lóng Luông bồi hồi kể lại: “Đã có lúc tôi tưởng phải chia tay một người đồng nghiệp đáng mến ấy, nhưng không ngờ cô giáo Nhân đã quay trở lại, làm chúng tôi thực sự vui, đồng thời khâm phục ý chí quyết tâm vượt khó của cô”.
Mọi hoạt động dạy học, cho trẻ ăn uống cô giáo Nhân đều làm thuần thục, chỉ có điều bây giờ không thể đến tận nhà vận động học sinh đi học như những ngày tháng trước. Dù đã có chân giả để lại lại dễ dàng hơn, nhưng có không ít lần dừng đèn đỏ hoặc phanh gấp, chị ngã sõng soài ra đường, xây xước chân tay, bởi chân trụ không vững. “Đến trường mà quần áo vừa bẩn, vừa rách, chỉ mỗi chiếc chân giả là còn nguyên”, cô giáo Nhân cười.
Với một người lành lặn, công việc này đã là một sự vất vả, khó khăn, nhưng với những người khuyết đi một phần cơ thể như cô giáo Nhân thì vất vả lại tăng lên gấp bội. Thấy vậy, nhiều người khuyên cô chuyển việc, thay vì phải vào bản xa gieo chữ như những ngày tháng cũ, nhưng chị lắc đầu vì sợ không còn thầy cô nào đủ can đảm chăm sóc học sinh.
Theo Thiên - Hiếu - Hùng (cand.com.vn)