Cuối cùng, Đệ nhất hùng quan trên con đường thiên lý Bắc - Nam cũng đã được quan tâm đúng mức để phục hồi, tôn tạo. Sẽ chẳng còn ai nhớ tới một thời di tích này mỏi mòn chờ trông một chính sách.
Chùng chình di sản
Ngược Bắc xuôi Nam trên con đường thiên lý, nhiều người đã biết đến đèo Hải Vân, nơi đó có Ải Vân Quan (hay Hải Vân quan) được Vua Lê Thánh Tông khi đi vi hành qua đây đã phải thốt lên rằng nơi đây thực sự là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Bởi vẻ đẹp có một không hai và vị thế không đâu sánh bằng của nơi này. Hải Vân Quan lưng dựa vào dãy Bạch Mã, mặt hướng Biển Đông, đứng sừng sững trên ngọn núi hướng ra biển lớn.
Lịch sử khai khẩn phương Nam không thể không nhắc tới con đèo huyền thoại và địa điểm trên đỉnh núi này, nơi mây trời lớp lớp tụ hội, mà người dân vẫn gọi với cái tên dân dã là Ải Vân (cửa ải trong mây). Mấy trăm năm qua, để khai phá đất Đàng Trong đã có không ít những bậc tiền nhân, những câu chuyện bi hùng của đoàn lưu dân lầm lũi từ giã cố hương vượt rừng thẳm núi sâu, vượt tai ương, dã thú về phương Nam khẩn hoang mở đất bao thế kỷ còn in dấu nơi này. Nơi yết hầu ấy cũng là điểm mở đầu cho tiếng đại bác liên quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha năm 1858, cũng là nơi quân Mỹ đầu tiên từ hạm đội 7 đổ bộ vào 1965. Hải Vân Quan, nơi nhìn ngược ra Bắc là phá Tam Giang của đất cố kinh, nơi nhìn xuôi phương Nam là nắng vàng biển xanh. Nơi mà lịch sử vô hình đã tạo thành một bức tường ngăn cách giữa nền văn hóa Chàm cổ ở phía Nam và nền văn minh tộc Việt hướng Bắc, là đường phân chia giữa những ảnh hưởng văn hóa từ phía Bắc và phía Nam châu Á, cũng là hàng rào khí hậu của phía Bắc và phía Nam nước Việt.
Hàng quán tại di tích Hải Vân Quan cần được sắp xếp lại. |
Và, Hải Vân Quan với vị thế đặc biệt của mình đã được công nhận là Di tích Quốc gia năm 2017. Nhưng, từ trước đó, địa điểm này đã là chốn dừng chân, là điểm tham quan du lịch, là nơi mưu sinh của rất nhiều người. Số phận trớ trêu một lần nữa lại khiến nơi này không được quan tâm. Bởi vị trí vô cùng đặc biệt của Hải Vân Quan nằm giữa ranh giới hành chính của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Có lẽ đây là di tích quốc gia đầu tiên và đặc biệt nhất của cả nước khi nằm trên địa phận của hai địa phương huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng). Trên cùng một di tích, chỉ bước một bước chân là sang địa phận địa phương khác. Thế nên, “chuyện của bên nớ chứ chẳng phải bên ni” đã diễn ra nhiều năm trời, nhất là trong vấn đề quản lý, bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ cho di tích.
Nhiều năm trời, đây là điểm du lịch rất được du khách tìm tới nhưng cũng chính nơi đây lại thể hiện rõ nét nhất nỗi buồn của di sản. Một thời gian dài, do không được quản lý vì chồng lấn địa giới hành chính nên tình trạng tham quan bát nháo đã diễn ra. Cổng Hải Vân Quan bị du khách vô tư xâm hại. Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều phần gạch bị mục ruỗng, mòn nhẵn do du khách giẫm đạp. Trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những hình ảnh người leo trèo lên lô cốt nằm trong khu di tích để chụp ảnh, những nét chữ nghuệch ngoạc viết thẳng vào tường gạch hay trên những phiến đá của di tích khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Cũng vì chưa có tiền lệ về việc hai địa phương cùng sở hữu một di sản vật thể nên công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp còn nhiều lúng túng, chậm trễ. Tình trạng khai thác du lịch một cách tự phát vẫn chưa được chấn chỉnh do hai địa phương chưa thống nhất được quy chế. Vì vậy, thời gian lưu lại của khách du lịch không lâu, chỉ trong khoảng 10 phút. Tại đỉnh đèo không chỉ có người dân của Đà Nẵng lên mở các quán kinh doanh phục vụ khách, mà còn có người dân Thừa Thiên - Huế cũng bám trụ để mưu sinh. Những hàng quán lèo tèo, lụp xụp, hàng bán chủ yếu là mặt hàng đá và giải khát, ki-ốt thấp, nhân viên các ki-ốt kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ nên việc ứng xử, giao tiếp với khách còn hạn chế, trang phục tự do. Bãi đậu xe hoàn toàn không có, các quán bố trí đậu xe tại các khu vực trước quán, vào thời gian cao điểm nhất là mùa khách du lịch quốc tế tình trạng xe đậu lộn xộn, không có vạch cho người đi bộ, do đó không đảm bảo an toàn giao thông cho du khách... Nhiều người đã ngao ngán khi nhìn toàn cảnh khu vực này không xứng tầm với một điểm du lịch độc đáo, riêng có của hai địa phương.
Năm 2017, Hải Vân Quan được xếp hạng di tích Quốc gia về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. |
Sống dậy một hùng quan
Những mòn mỏi đợi trông một cơ chế, một quyết định, một sự bảo đảm cho Hải Vân Quan phải qua nhiều năm. Không ít lần những người quản lý, cả người dân và du khách đã phải lên tiếng. Trong những cuộc họp bàn của các cấp chính quyền địa phương của các bên vẫn nêu lên vấn đề bảo tồn, phát triển du lịch ở khu di tích quốc gia này nhưng vướng nhiều vấn đề để rồi chẳng có ai chịu sửa sang cho Hải Vân Quan. Một thời gian dài liên tục diễn ra điệp khúc phường kêu lên quận, huyện; quận và huyện lại kêu lên thành phố hay lên tỉnh nhưng hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng “chưa ai chịu ai”. Có người còn mường tượng tới cảnh hai địa phương phải lập riêng hai dự án trùng tu cho cùng một di tích.
Hải Vân Quan đã phải chịu số phận “hẩm hiu” nhiều năm trời. Ngay cả thời điểm khai quật, phát lộ nhiều nền móng cũ, nhiều người đã chắc mẩm hai bên sẽ cùng ngồi lại với nhau để cùng chung tay vực dậy di tích này. Và rồi tới trung tuần tháng 5-2018, sau gần 4 tháng khai quật trên diện tích gần 900m2, nhóm chuyên gia Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng đã làm sáng rõ quá trình hình thành và biến đổi của di tích Hải Vân Quan. Qua đó đã xác định được quy mô, kết cấu nền móng kiến trúc của công trình, cung cấp những cứ liệu khoa học cần thiết để phục hồi và phát huy giá trị di tích này.
Cuối cùng, số phận của Hải Vân Quan đã được quan tâm, khi sáng ngày 19-12-2021 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng chính thức quyết định cả hai địa phương sẽ tổ chức trùng tu, phục hồi di tích Hải Vân Quan. Di tích Hải Vân Quan sẽ được trùng tu, tu bổ với tổng diện tích 6.500 m2, thời gian triển khai trùng tu là 2 năm. Tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng do Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đóng góp, mỗi địa phương 50%.
Ông Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết trước cuộc trùng tu, những người làm văn hóa ở Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tham gia. Có ý kiến cho rằng nên khôi phục Hải Vân Quan theo hiện trạng dưới thời Vua Minh Mạng năm 1826 song cũng có quan điểm nên bảo tồn theo hướng thích nghi. Và, điều quan trọng “không phải là khai thác du lịch thu về nhiều tiền” mà giữ danh thắng để phát huy, giáo dục truyền thống cho con cháu.
Khi có sự chung tay ấy, Hải Vân Quan sẽ sống dậy như một thời hào hùng thuở xưa, nơi mà người người đi qua phải nhớ đến. Và, trong kế hoạch trùng tu, để bảo tồn di tích đang dần xuống cấp, hai địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cần thiết phải nâng cấp cơ sở vật chất và có quy chế bảo tồn di tích lịch sử này, sự quản lý chặt chẽ sẽ tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và sẽ chấm dứt tình trang đeo bám, chèo kéo khách du lịch.
Hải Vân Quan cần được trùng tu để bảo vệ di tích và khai thác có hiệu quả. |
Cần triển khai nhiều giải pháp “nóng” để khai thác dịch vụ và giải quyết tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng, ép giá tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân như tăng cường lực lượng dân quân cùng với lực lượng biên phòng thường trực 24/24, tiến hành làm thẻ đeo và quy định mỗi ki-ốt chỉ có 3 người phục vụ đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, cũng cần trang bị đồng phục mũ cho các nhân viên bán hàng, kẻ vạch bãi đậu xe, thực hiện việc niêm yết giá bán, yêu cầu những hộ kinh doanh làm cam kết về văn minh thương mại, an ninh trật tự. Ngoài ra, cũng tổ chức lớp tập huấn “nghiệp vụ” văn minh thương mại, “nụ cười thân thiện” cho nhân viên bán hàng tại các ki-ốt, vận động các chủ ki-ốt tự may đồng phục nhằm tạo nên nét đẹp riêng cho điểm du lịch này, tạo sự an tâm cho mỗi du khách khi dừng chân nơi đây.
UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng từng đề xuất một số giải pháp để sớm đưa Hải Vân Quan vào khai thác có hiệu quả, như việc tiến hành xây dựng trạm hạ thế điện và xây dựng điện chiếu sáng từ nội thành Đà Nẵng lên đỉnh Hải Vân, thiết kế điện trang trí quanh khu di tích để tạo điểm nhấn, nhằm để lưu giữ khách và phục vụ khách tham quan về đêm.
Hải Vân Quan xưa trên con đường thiên lý Bắc - Nam. (ảnh tư liệu). |
Hải Vân Quan rồi sẽ sống dậy, người qua lại trên con đường thiên lý Bắc - Nam sẽ được chứng kiến một di tích uy nghi và lừng lẫy trên đỉnh núi, nơi mà đứng từ Đà Nẵng có thể nhìn thấy, đứng từ Lăng Cô cũng có thể quan sát được. Nơi đây sẽ là sợi dây kết nối quan trọng của con đường di sản miền Trung từ thành quách đền đài cố đô Huế đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và xuyên dài vào phương Nam.
Mười năm, hai mươi năm hay sau đó nữa, trên đỉnh nghìn năm mây trắng này, tượng hình Hải Vân Quan chắc chắn vẫn sẽ sừng sững giữa trời, chạm vào nơi sâu thẳm nhất của lòng người trước những cảm khái lịch sử.
Tiêu Dao (cand.com.vn)