Thời sự - Bình luận

Đâu là thước đo sự tự nguyện của phụ huynh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ đầu mỗi năm học, câu chuyện về lạm thu, các chương trình ngoài giờ chính khóa, các khoản đóng góp tự nguyện lại xôn xao.

Ngành GD-ĐT cả nước nói chung, mỗi địa phương nói riêng đều thể hiện quyết tâm chống lạm thu, đề cao tính tự nguyện của phụ huynh khi thực hiện các chương trình liên kết, các khoản vận động, đóng góp… Dù vậy, có thật tất cả những chương trình mang tính tự nguyện đã triển khai đều là tự nguyện?

Vài năm trở lại đây, nhiều phụ huynh tại TP HCM phản ánh thời khóa biểu ở một số trường học xếp trộn lẫn những môn thuộc chương trình chính khóa (bắt buộc) với những môn thuộc chương trình nhà trường (chương trình tự nguyện). Nếu học sinh không học một số chương trình của nhà trường thì các em đi đâu?

Mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh rằng khi triển khai chương trình nhà trường phải được 100% phụ huynh đồng ý, khi thực hiện không lấy ý kiến đại diện. Ngành GD-ĐT TP HCM cũng khẳng định, không tạo điều kiện cho các đơn vị liên kết thực hiện chương trình nhà trường khi xếp thời khóa biểu… Đến nay có bao nhiêu cơ sở giáo dục thực hiện được điều trên?

Tất cả những biện pháp ngành GD-ĐT đưa ra thực chất chỉ là giải pháp giải quyết phần ngọn của vấn đề, phụ huynh đã bị đặt vào sự đã rồi. Vì nếu đã tự nguyện, thì sẽ không có những câu chuyện ồn ào trên báo chí.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng trường công có vai trò chỉ thực hiện chương trình nhà nước, giáo viên, đội ngũ công nhân viên trong trường thực hiện chương trình nhà nước. Học sinh đến trường chỉ để học chương trình của nhà nước. Dù học 1 buổi, 2 buổi thì trường công cũng chỉ dạy chương trình nhà nước, không nên giới thiệu các đơn vị liên kết làm gì. Phụ huynh tùy nhu cầu muốn bồi dưỡng thêm cho con thì tìm các đơn vị ở bên ngoài. Còn một khi phải liên kết với đơn vị bên ngoài, phải chấp nhận rằng đó là kinh doanh giáo dục. Vấn đề để chương trình nhà nước chủ đạo hay chương trình liên kết lấn át thuộc kiểm soát của lãnh đạo các đơn vị.

Tuy nhiên, để học sinh đến trường chỉ để học chương trình của nhà nước chỉ là lý tưởng, không thể không có môn liên kết trong trường học. Lý do thì có vô vàn, đầu tiên ngay từ khi xây dựng Chương trình 2018, các trường đã được trao một khoảng phần "mềm" đó là thực hiện các chương trình ngoài giờ chính khóa. Khi đã được quyền tự tính, nhà quản lý nào có tâm thì cho phép các đơn vị liên kết giáo dục bài bản và ngược lại, có đơn vị chỉ đặt lợi nhuận hàng đầu. Sở dĩ phải liên kết vì trường công không đủ lực thực hiện. Từ chỗ không đủ lực, phải liên kết thì mãi mãi các chương trình tự nguyện khó mà rạch ròi, tường minh.

Nhiều quốc gia trên thế giới không hề có môn kỹ năng sống, không có môn nào gọi là trải nghiệm. Tất cả những khái niệm này có ở tất cả các môn học, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng cho học sinh. Những chuyên đề mang tính đặc thù mới cần đến đơn vị chuyên trách.

Trường công với trách nhiệm là phổ cập giáo dục, tạo môi trường công bằng nhưng vô hình trung lại phân chia thành "những nhóm" có tiền và ngược lại khi thụ hưởng giáo dục. Một khi chương trình nhà trường không do chính nhà trường thực hiện thì người khổ xét cho cùng là chính học sinh!

Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm