Kinh tế

Đâu là trái cây nhập khẩu chính hiệu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Muốn thưởng thức trái cây nhập khẩu không quá khó để người tiêu dùng tìm mua, nhất là thời gian gần đây trái cây nhập khẩu được bày bán phổ biến ở nhiều nơi, không chỉ trong các siêu thị, cửa hàng lớn mà ngay cả những sạp ngoài chợ cũng cơ bản có đủ một số loại…

Mác ngoại giá trên trời

 

 

Khu vực trung tâm thương mại Pleiku, các chợ là điểm tập trung buôn bán trái cây nhiều nhất, đặc biệt trên đường Nguyễn Thiện Thuật từ lâu đã hình thành chợ trái cây với các loại từ nội địa cho đến ngoại nhập. Gần đây, lại rộ lên nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm bán chuyên trái cây nhập khẩu. Những loại quả được giới thiệu có xuất xứ từ: Mỹ, Úc, Chile, Nam Phi, New Zealand, Pháp, Thái Lan… được bán với giá rất cao, như: nho đen giá dao động 170-220 ngàn đồng/kg, kiwi 100-160 ngàn đồng/kg, táo 80-100 ngàn đồng/kg, lựu 200 ngàn đồng/kg, cam quýt 90-120 ngàn đồng/kg, đặc biệt có loại cao cấp như cherry 600-700 ngàn đồng/kg, việt quất trên cả triệu đồng/kg…

Giá là vậy, nhưng tại mỗi nơi bán lại có sự chênh lệch giá khá nhiều, mà theo lý giải của người bán đó là tùy thuộc vào hãng sản xuất và nước xuất xứ. Chị Thanh Trúc (nhà ở đường Hùng Vương, TP. Pleiku) là người tiêu dùng thường xuyên chấp nhận chi thêm tiền để được thưởng thức trái cây ngoại nhập. Theo chị, từ hình thức cho đến vị của các loại quả này khác lạ và ngon; tuy nhiên muốn ăn trái cây đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe chỉ nên tin tưởng vào cửa hàng có uy tín hoặc vào siêu thị.

“Có những loại quả xuất xứ khác nhau song nhìn bên ngoài rất giống, nhiều người đã bị lầm khi phải mua với giá trên trời mà chất lượng không như mong đợi! Đâu đâu cũng bán hàng ngoại; một số người bán đánh vào tâm lý người mua để gian dối hòng thu lợi bất chính. Thực tế đã có nhiều vụ giả tem mác, bao bì rồi đấy”-chị Trúc tỏ ra nghi ngại.

Để dẫn chứng đã từng… nhầm hàng, chị Bình (ở tổ 10, phường Hội Phú) cho biết: những loại trái cây nhập khẩu phải được giữ mát ở tủ bảo quản chuyên dùng, thời hạn sử dụng không quá lâu vì là hàng nhập khẩu đã mất một thời gian dài vận chuyển rồi lại đến các khâu trung gian, sau đó mới tới tay người tiêu dùng. Vậy việc bày bán tràn lan một số loại trái cây nhập khẩu ngoài chợ khiến không riêng gì chị mà nhiều người tiêu dùng khác rất lo lắng. Nếu không được bảo quản ngăn mát mà vẫn tươi rói nhiều ngày thì phải đặt câu hỏi!

Hãy là người tiêu dùng thông thái!

Ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Hàng được nhập từ nhà phân phối của Sài Gòn Co.op có nhiều chủng loại để khách hàng chọn lựa, nhưng phổ biến và bán chạy nhất ở đây là kiwi, nho, lê. Siêu thị luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, do đó kiểm soát rất nghiêm ngặt; đặc biệt là đưa đến người tiêu dùng một mức giá tốt nhất.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, qua những đợt thanh-kiểm tra liên ngành một số vựa trái cây trên địa bàn đều cho thấy họ xuất trình được giấy tờ hợp lệ, như một số giấy tờ liên quan đến hải quan, hồ sơ công bố đã kiểm nghiệm thực phẩm… Tuy nhiên, ông Đang cũng cho biết việc kiểm soát chỉ làm ở một số vựa lớn, còn với những sạp nhỏ lẻ thì gần như rất khó.

Chỉ tính riêng TP. Pleiku đã có đến hơn chục điểm chuyên bán trái cây nhập khẩu, còn lại các sạp hàng ở chợ thường là bán kèm một số loại phổ biến, như: nho, táo, cam… Theo một số chủ cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu trên địa bàn, hàng bày bán phục vụ chủ yếu cho khách quen phân cấp thu nhập khá, vì những loại trái cây ngoại có giá rất cao. Nhiều khách lạ tới đây mua có phân vân giá ở các sạp rẻ hơn, nhưng cứ nhìn cách bảo quản thì có thể phần nào tự đánh giá chất lượng. Hàng hóa đều có giấy tờ hợp lệ nên khách hàng rất tin tưởng. Số lượng hàng bán ra không lớn nhưng nhẩm tính bình quân mỗi cửa hàng bán ra thị trường khoảng gần trăm ký trái cây nhập khẩu các loại mỗi tuần.

Để tạo được chỗ đứng khi thị trường đang có sự nhập nhằng giữa thật-giả, nhiều cửa hàng cũng ra sức nhiệt tình chỉ cho khách hàng cách phân biệt nhanh nhất một số chủng loại trái cây để họ có thể tự kiểm tra trước khi mua, như về hình dáng, màu sắc, vị; cách nhận biết xuất xứ xem là hàng từ nước nào. Nói là vậy nhưng để tự người tiêu dùng đánh giá quả không hề dễ, mà chẳng lẽ cứ phải ăn rồi mới vỡ lẽ!

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm