(GLO)- Trong dịp Tết Bính Thân, tôi cùng nhóm từ thiện gồm một số cán bộ hưu trí về thăm và tặng quà đồng bào nghèo 2 làng HVăk 1 và HVăk 2 (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Cầu treo tại xã Ayun. Ảnh: Duy Lê |
Đang là mùa Xuân nên dọc hai bên đường liên xã từ Hàm Rồng đến Ayun cây cối căng tràn nhựa sống. Chỉ non một giờ đồng hồ ngồi ô tô, chúng tôi đã có mặt tại đèo Ayun. Cách đây chừng chục năm, ngọn đèo này là vết cắt tự nhiên của tạo hóa cô lập vùng đất nằm bên sông Ayun với phần còn lại của thế giới. “Hồi đó, đèo Ayun hẹp, ngoằn ngoèo, đất đá lởm chởm... Mỗi lần về xã là mỗi lần thót tim”-một thành viên trong nhóm cho biết. Bây giờ, đường đèo đã được Nhà nước đầu tư thảm bê tông, con đường đến xã trở nên dễ dàng hơn. Qua hết con đèo quanh co uốn lượn này, chúng tôi có mặt tại trụ sở xã, cũng là lúc cái nắng hanh hao vùng lòng chảo sông Ayun đã bắt đầu đanh lại.
Mặc dù đang trong thời gian nghỉ Tết nhưng lãnh đạo xã và một số cán bộ khác trong hệ thống chính trị vẫn có mặt tại trụ sở. Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thanh, trong những ngày nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc, ngoài việc trực tại trụ sở, lãnh đạo xã thường xuyên xuống làng để đón Tết cùng bà con. Sau những cái bắt tay vội vàng thay cho lời chúc Tết, Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đến 2 ngôi làng nói trên.
Nghe tin có đoàn từ thiện về tặng quà nên từ sáng dân làng HVăk 1 và HVăk 2 đã tập trung về tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, 100 suất quà (mỗi suất 5 kg gạo và 1 thùng mì tôm) đã được trao tận tay những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thay mặt dân làng HVăk 2, Trưởng thôn Rơ Chăm Tơi bộc bạch: “Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng cuộc sống của bà con ở đây vẫn rất khó khăn. Hôm nay, bà con rất vui vì được nhận quà”.
Theo chân ông Rơ Chăm Tơi, chúng tôi dạo một vòng xung quanh làng. Đang là đầu Xuân nhưng khí trời ở đây khá ngột ngạt. Chỉ tay về phía bờ sông Ayun, ông Rơ Chăm Tơi cho biết: Tuy 2 ngôi làng nằm ven sông nhưng lại không chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng. Mùa mưa, nước sông dâng lên mấp mé ngôi nhà gần nhất. Trong khi đó, vào mùa khô, nước rút hết chỉ còn trơ sỏi đá. Trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó!
Là người quen cũ nên Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thanh không ngại ngần khi trao đổi với chúng tôi về tình hình của xã. Về tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, theo ông Thanh, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt. Theo đó, tổng giá trị sản xuất đạt 25,73 tỷ đồng; diện tích gieo trồng đạt 1.061 ha (tăng 40,5 ha so với năm 2014); tổng đàn gia súc 5.648 con, gia cầm 4.010 con; số lượng học sinh tăng đáng kể; có thêm 100 hộ thoát nghèo…
Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng đến nay Ayun vẫn là xã khó khăn nhất huyện Chư Sê. Chiếm tỷ lệ 79,44% giá trị sản xuất nhưng sản xuất nông nghiệp của xã vẫn èo uột với cây lúa (chủ yếu là lúa vụ mùa và lúa đồi), mì, đậu phộng, khoai lang, điều… Do không chủ động nguồn nước nên hàng năm chỉ gieo trồng vài chục ha lúa Đông Xuân. Năng suất các loại cây trồng rất thấp. Đàn gia súc lên đến 5.648 con nhưng chất lượng không cao. Những năm qua, nhiều mô hình khuyến nông được triển khai tại xã nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn do nhận thức của người dân còn hạn chế và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng quá khắc nghiệt. Trong gần 10 năm nhận kết nghĩa với xã, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã hỗ trợ hàng tỷ đồng nhưng cũng chỉ là “muối bỏ bể”. Đời sống của đa số người dân trong xã rất khó khăn, với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,88 triệu đồng/năm. Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp đa chiều giai đoạn 2016-2020 cho thấy Ayun vẫn còn 673 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 84,23%; có 53 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,63%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tuy đã qua 5 năm triển khai thực hiện nhưng đến nay Ayun mới chỉ đạt 5 tiêu chí (quy hoạch, điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất và an ninh trật tự)…
Làm thế nào để Ayun thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và phát triển bền vững? Đó không chỉ là niềm trăn trở của hệ thống chính trị của xã mà cả lãnh đạo huyện Chư Sê. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết cán bộ xã thống nhất quan điểm đầu tư “cần câu” thay vì “con cá”. “Cần câu”-với họ-có thể là một số công trình thủy lợi để “dẫn thủy nhập điền” giải quyết nguồn nước tưới cho những cánh đồng đang khô khát. Đi đôi với đó là những mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương. Và, vượt trên tất cả là phải tạo ra một đội ngũ cán bộ trẻ có tri thức và tâm huyết với mảnh đất Ayun anh hùng này.
Duy Lê