Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào ngày 16-3 âm lịch hàng năm tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên, đảo Lý Sơn có phải là nơi xuất quân đầu tiên của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải? Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo hay đã có từ đất liền với niên đại hàng trăm năm trước?
Nghi lễ thả mô hình thuyền ra biển trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Nơi xuất quân Hải đội Hoàng Sa
Từ hàng trăm năm trước, Chúa Nguyễn đã quan tâm đến việc đưa các binh phu, thủy quân, phái quan, biền binh đi Hoàng Sa với tên gọi là Hải đội Hoàng Sa, đặc biệt là trong giai đoạn vua Minh Mạng sau này. Các hùng binh của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là những thế hệ lính đảo đầu tiên vươn ra biển lớn tới các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mở mang bờ cõi. Sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú có ghi: “Quần đảo Hoàng Sa nằm ở ngoài khơi, các đời vua đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường lấy người xã An Vĩnh. Hàng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An), lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”. Thế nhưng, Chúa Nguyễn đã cho lập Hải đội Hoàng Sa vào năm nào thì đến nay chưa rõ, chỉ biết vào “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” mà nhiều nhà sử học xác định cũng phải vào cuối thế kỷ XVI, hoặc đầu thế kỷ XVII.
TS. Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, người nhiều năm nghiên cứu lịch sử văn hóa biển đảo, cho biết: “Theo những tài liệu lịch sử, cũng như từ thực tiễn điền dã, có thể khẳng định, dưới thời các Chúa Nguyễn, lẫn thời Tây Sơn, 70 phiên chế trong đội Hoàng Sa được thiết lập hàng năm, chủ yếu là người của làng An Vĩnh, sau này bổ sung thêm làng An Hải trong vùng biển Sa Kỳ. Sang thời Nguyễn, từ thời Gia Long trở đi, sứ mệnh lịch sử thiêng liêng đó được giao lại cho dân binh Lý Sơn là chính, nhưng không phải chỉ có dân binh Lý Sơn, còn có thủy quân ở Kinh thành Huế điều vào, cùng dân binh các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi”.
Như vậy, Hải đội Hoàng Sa đầu tiên là người làng An Vĩnh và An Hải nằm ven cửa biển Sa Kỳ, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi và mũi Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ba Làng An cũng là nơi gần Hoàng Sa nhất, cách 135 hải lý, còn phần đất lục địa gần Hoàng Sa nhất của các nước khác cũng phải tới 230 hải lý.
Dọc theo ven biển Sa Kỳ, vẫn còn các di tích về nơi xuất quân đầu tiên của Hải đội Hoàng Sa trong đất liền, chủ yếu tại làng An Vĩnh. Trong đó, vườn đồn là nơi lính Hoàng Sa đóng doanh trại, cũng là nơi xuất quân đầu tiên của Hải đội Hoàng Sa. Di tích này đến nay chỉ còn lại phần móng, là khu vực đóng quân của Đồn Biên phòng Sa Kỳ bây giờ. Chính tại địa điểm này, năm đó các lính đảo tập kết, huấn luyện, trang bị tàu thuyền để chuẩn bị cho chuyến đi đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đình làng An Vĩnh và Miếu Hoàng Sa tại làng An Vĩnh là nơi đội Hoàng Sa tế thần trước khi lên thuyền ra đảo. Trong ngôi miếu có thờ cốt cá Ông (thần Hoàng Sa) mà những người lính đưa về từ đảo Hoàng Sa cách đây 300 năm. Đến nay, ngôi miếu này đã bị hủy do chiến tranh và thời gian. Ông Nguyễn Nhứt (80 tuổi) là một trong những người có công giữ lại những tàn tích này, đã nhặt từng viên ngói, rui, mè và mang bộ cốt cá Ông về Lăng Ông bây giờ.
Lăng Ông nhìn hướng ra biển. Nơi đây vẫn còn những bức tường đá ong, bên trong thờ bộ cốt cá Ông lớn, người dân gọi là thần Hoàng Sa. Ông Nhứt cho biết, bộ cốt cá Ông có chiều dài khoảng 5m, bề ngang 2m, được thờ nơi chính điện Lăng Ông. Bộ cốt có lịch sử lâu đời, ước tính cách đây 300 năm, gắn liền với hành trình đi đảo Hoàng Sa đầu tiên của Hải đội Hoàng Sa còn lưu giữ đến nay, trở thành minh chứng cho chuyến xuất hành đầu tiên đi Hoàng Sa của Hải đội Hoàng Sa tại cửa biển Sa Kỳ.
Hàng năm, chủ làng An Vĩnh đứng ra làm các lễ cúng như lễ cúng thuyền, lễ cầu mùa, lễ ra khơi đánh bắt đầu năm, lễ cúng cá Ông (thần Hoàng Sa)…Năm 2015 thì có một cá Ông lụy vào bờ được người dân nơi đây đưa về Lăng Ông, vì thế ở Lăng Ông hiện có 2 bộ cốt cá Ông được thờ cúng.
Những cư dân đầu tiên đến đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn bắt đầu có cư dân sinh sống từ thế kỷ XVI. Theo ghi chép trong cuốn Non nước Xứ Quảng của Phạm Trung Việt thì có 7 ngư dân ở làng An Vĩnh trong đất liền dùng thuyền ra đảo Lý Sơn lập nghiệp. Sau đó, có 8 ngư dân ở làng An Hải cũng ra lập nghiệp phía Đông của đảo… Đến thế kỷ XIX trở về sau, Hải đội Hoàng Sa mới chủ yếu lấy người An Vĩnh trên đảo Lý Sơn, mà sau này các cai đội như Phạm Quang Ảnh, thuộc dòng họ Phạm (Quang) tại An Vĩnh, Lý Sơn được cử làm cai đội đội Hoàng Sa vào năm 1815. Lúc này, việc đi Hoàng Sa còn kiêm cả đo vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền…
Trước khi đi Hoàng Sa, những người lính Hải đội Hoàng Sa phải chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 sợi dây mây, chiếc thẻ bài ghi tên, tuổi, quê quán. Nếu không may gục ngã giữa biển thì có thể nhờ đồng đội quấn xác thả xuống biển vì họ tin rằng biển cả sẽ đưa họ về với đất liền và nhờ có thẻ bài để nhận tìm người thân. Di tích Âm linh tự (xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn) là nơi tế tự các âm linh trước mỗi lần Hải đội Hoàng Sa lên thuyền ra khơi và cũng là nơi tế tự lính Hoàng Sa.
Ghi nhớ công lao Hải đội Hoàng Sa, các vua chúa đã ban thờ các hùng binh Hoàng Sa cùng câu đối liễn “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”. Và hàng năm tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, vừa cho người sắp bước xuống thuyền lênh đênh biển cả có may mắn trở về, vừa cho những người đã có công làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tổ chức Lễ khao lề gồm có 5 mô hình thuyền, các vật phẩm tế lễ, bài vị của các cai đội Hoàng Sa, những binh lính trong đội, các vị thần cai quản biển cả. Ông Cả làng và các chức sắc tham gia lễ, đọc văn tế, thả thuyền xuống biển…
TS. Nguyễn Đăng Vũ cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi đã tìm thấy nhiều bài văn tế Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, trong đó có bài tìm thấy ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi). Theo những bài văn tế này thì cha ông họ đã từng đi thực hiện Lễ khao lề ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Điều đó chứng tỏ nơi nào có người đi Hoàng Sa, sau này là Trường Sa, hầu hết đều có làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa/Trường Sa. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hiện nay Lễ khao lề chỉ còn tổ chức thường xuyên trên đảo Lý Sơn”.
Tại đảo Lý Sơn ngày nay còn có nhiều di tích như Nhà thờ họ Võ Văn, Nhà thờ Phạm Quang Ảnh và khu mộ chiêu hồn cai đội Phạm Quang Ảnh cùng các binh phu hy sinh, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải... tri ân những người có công làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nguyễn Trang (SGGP)