Thời sự - Bình luận

Đầu tư mạnh hơn cho bóng đá trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thất bại của đội tuyển bóng đá U16 Việt Nam tại giải Đông Nam Á, trong đó có trận thua U16 Indonesia với tỷ số 0-5, dù đánh giá trước mắt hay lâu dài cũng đều đáng lo.
Ảnh: SGGPO

Ảnh: SGGPO

Đây đã là trận thua thứ 5 liên tiếp của bóng đá Việt Nam trước Indonesia ở các cấp độ lần lượt từ đội tuyển quốc gia, đến U22 và bây giờ là U16. Tất cả đều diễn ra ở những trận đấu, giải đấu chính thức và rất quan trọng.

Thành tích trước mắt đã thế, còn nhìn về lâu dài, có thể thấy các quốc gia chú trọng phát triển bóng đá trẻ như Indonesia, Thái Lan đang dần trở nên mạnh hơn, cho thấy họ đang ở một chiến lược dài hạn. Ngay tại Đông Nam Á chúng ta còn chật vật tìm chỗ đứng trước sự cạnh tranh này thì câu chuyện vươn tầm sẽ dần trở nên bất khả thi.

Nhìn nhận một cách thực tế thì bóng đá Việt Nam không có nhiều cơ sở để tạo ra đột phá trong thời gian ngắn. Ngoài việc sụt giảm nhanh và không có dấu hiệu dừng lại của các trung tâm đào tạo chất lượng cao do những khó khăn về tài chính thì hệ thống thi đấu dành cho bóng đá trẻ vẫn đang bế tắc trong việc tăng số lượng trận - giải đấu. Cầu thủ trẻ cần có không gian và thời gian để chuyển đổi những bài học bóng đá thành trải nghiệm thi đấu đích thực. Họ cần có nhiều trận đấu để trau dồi kỹ năng, phát huy tố chất mà không chịu nhiều áp lực thành tích. Trong khi đó, với số lượng trận đấu ít ỏi hiện nay, cầu thủ trẻ đang dần trở thành những “thợ đá bóng” thay vì được chơi bóng đá phù hợp với độ tuổi của mình.

Ở một khía cạnh khác, sau khi chuyên gia Jurgen Dede (Đức), người đứng sau kỳ tích dự U20 World Cup năm 2017, chia tay đến nay bóng đá Việt Nam không có ai thay thế để làm Giám đốc kỹ thuật. Đây là một vị trí thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng vì giúp hệ thống hóa các phương pháp huấn luyện, xây dựng chiến lược về chuyên môn, lối chơi phù hợp với chất lượng cầu thủ Việt Nam ở từng giai đoạn, tạo sự liền mạch giữa các đội tuyển U với nhau để hướng tới cái đích là tạo ra bản sắc thi đấu.

Nói cách khác, không chỉ là thất bại ở trận đấu, giải đấu cụ thể mà phải thừa nhận rằng bóng đá trẻ Việt Nam đang ở trạng thái báo động. Không xốc tay vào làm từ bây giờ, sự tụt hậu là không thể tránh khỏi, với nguy cơ chúng ta quay về giai đoạn khủng hoảng trước năm 2014 khi các lứa U19 vẫn chưa xuất hiện. Hơn nữa, so với các giai đoạn trước đây thì bóng đá Việt Nam hiện tại có những yếu tố thuận lợi để “tái cơ cấu”. Thứ nhất là bài học từ các cuộc khủng hoảng trước. Kế đến là tích lũy được tài chính qua thời gian thăng hoa dưới thời HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo cũng như bóng đá vẫn đang nhận được nhiều hỗ trợ từ xã hội. Không báo động sớm thì sẽ lỡ thời cơ.

Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đó là phải đầu tư mạnh hơn cho bóng đá trẻ. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải tìm cách tăng số lượng các giải đấu trẻ để tạo đầu ra cho các lò đào tạo. Với các CLB, đã đến lúc phải siết chặt những quy chuẩn về các tuyến trẻ, trách nhiệm tài chính cho hoạt động đào tạo ở những địa phương mà họ đại diện.

Cuối cùng, đó là cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội cho bóng đá trẻ thông qua hoạt động của trung tâm đào tạo quy mô lớn, tăng số tiền trích từ doanh thu của V-League. Nói cách khác, cần có sự cân bằng về quy mô cũng như giá trị đầu tư giữa bóng đá chuyên nghiệp và hoạt động đào tạo. Thậm chí, sự minh bạch trong công tác đầu tư bóng đá trẻ cần phải nhiều hơn cả với những quy chuẩn của CLB. Nghĩa là đội chuyên nghiệp có thể giải thể vì thiếu tiền nhưng không được để bóng đá trẻ cạn nguồn.

Có thể bạn quan tâm