“Phương pháp La Liga” có mục tiêu phát triển kỹ năng, “IQ chơi bóng đá” của cầu thủ dựa trên bốn khía cạnh: kỹ thuật, chiến thuật, thể chất và tâm lý, và được xây dựng hoàn chỉnh dựa trên nghiên cứu về thể trạng cơ thể, đặc tính và nét tương đồng giữa cầu thủ Việt và Tây Ban Nha.
Trên con đường phát triển, bóng đá Việt Nam không thiếu các hoạt động liên kết quốc tế trong đào tạo và huấn luyện. Chúng ta có các khóa giảng dạy và cấp chứng chỉ hành nghề HLV do AFC tổ chức. CLB cũng như liên đoàn bóng đá các địa phương cũng đã hợp tác với những CLB danh tiếng như Barcelona, Lyon, Bayern Munich, Juventus … để tổ chức đào tạo. Cũng không thiếu các hình thức liên doanh, liên kết kiểu như Học viện Arsenal JMG hay Aspire. Về mặt kết quả, cũng đã có những “trái ngọt” như lứa U19 của HA.GL.
Tuy nhiên, khóa đào tạo nâng cao “Phương pháp La Liga” là lần đầu tiên chúng ta đụng đến một khía cạnh ít được quan tâm, đó là chất lượng và tư duy bóng đá của những “người thầy” bóng đá trẻ. Khi nói đến công việc của các HLV bóng đá, thường hay đề cập đến chứng chỉ hành nghề, thành tích thi đấu khi còn là cầu thủ… chứ không có nhiều sự quan tâm đến trình độ kiến thức của các HLV chuyên đào tạo trẻ. Gần như là mặc nhiên, cứ là cựu cầu thủ thì sẽ đủ khả năng “đứng lớp”, càng nổi tiếng khi còn thi đấu thì càng dễ được nhận làm thầy dạy bóng đá.
Trong khi đó, với các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến, thì các HLV đào tạo bóng đá trẻ lại có nhiều bằng cấp hơn những nhà cầm quân chuyên nghiệp. Đa phần họ phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành, nắm vững chuyên môn và các lĩnh vực phụ trợ như dinh dưỡng, tâm lý, ngoại ngữ và đặc biệt là có tư duy giáo dục hiện đại. Nói cách khác, với các HLV đào tạo trẻ, thì chuyên môn chỉ là điều kiện cần, trong khi khía cạnh kiến thức “IQ chơi bóng đá” mới thực sự quan trọng. Với những người thầy như vậy, cầu thủ sẽ có cảm xúc khi chơi bóng đỉnh cao, phát triển khả năng sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê dài hạn và quý trọng công việc của mình.
Bóng đá Việt Nam không bao giờ thiếu tài năng, đó là một điều chắc chắn ở một đất nước có hơn 100 triệu dân với gần 80% người yêu bóng đá. Thế nên, cái chính là chất lượng và phương pháp đào tạo.
Tất nhiên, để nâng tầm bóng đá trẻ Việt Nam, đó là một chiến lược dài hơi và toàn diện, đặc biệt là hệ thống thi đấu cũng như định hướng sử dụng tài năng của các CLB. Nhưng việc nâng cao chất lượng của HLV đào tạo trẻ, thay đổi phương pháp huấn luyện, bổ sung tiêu chí “IQ chơi bóng đá” là những bước đầu tiên, mang tính nền tảng, có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành tư duy và trình độ chơi bóng của cầu thủ trong tương lai. Quan trọng hơn, việc cải thiện khâu cơ bản này hoàn toàn nằm trong tầm tay của bóng đá Việt Nam cả về tài chính lẫn con người, mà việc hợp tác giữa VFF và La Liga là sự gợi mở đáng giá cho chính các CLB hay trung tâm đào tạo ở Việt Nam. Chúng ta đang có nhiều thế hệ cựu cầu thủ tài năng đã giải nghệ, có sự ủng hộ của xã hội trong việc đào tạo trẻ, đó là những thuận lợi không nên lãng phí.