Phóng sự - Ký sự

Đầu xuân Quý Mão 2023, nghe "sát ngư" kể chuyện kỳ công săn "thủy quái" trên sông Sêrêpốk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên, nhiều người sẽ nhớ đến và trầm trồ với các món ăn được chế biến từ cá lăng đuôi đỏ - loài đặc trưng của dòng sông chảy ngược duy nhất trên Tây Nguyên: Sông Sêrêpốk. Trên dòng sông này, nhiều “sát ngư” từng săn được thủy quái khủng, nặng gần 100kg...

Mưu sinh theo con nước đợi cơ hội săn thủy quái

Sêrêpốk là con sông duy nhất ở Tây Nguyên không tuân theo quy luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác. Sêrêpốk được hợp lưu bởi hai dòng Krông Nô (sông cha) và Krông Ana (sông mẹ), bắt nguồn từ Đăk Lăk băng qua địa phận Đăk Nông, chảy ngược lên thượng nguồn, sang tận đất Campuchia, rồi mới chịu nhập vào sông Mekong đổ ra biển lớn.

Trên dòng sông lắm ghềnh thác này hội tụ vô số loài cá quý hiếm như: Sấu xiêm, mõm trâu, tra dầu, lăng đuôi đỏ, leo, thác lác khổng lồ, sọc dưa, ngựa xám... Trong đó cá lăng đuôi đỏ là loài "thủy quái" xuất hiện nhiều nhất, trở thành loài cá nổi tiếng gắn liền với dòng sông chảy ngược, với đại ngàn Tây Nguyên.

"Thủy quái" cá lăng dài, to bằng cả người trưởng thành. Ảnh: Đ.V.G
"Thủy quái" cá lăng dài, to bằng cả người trưởng thành. Ảnh: Đ.V.G

Bao năm qua, cư dân hai bên bờ sông lấy nghề đánh bắt cá làm kế sinh nhai. Ông Y Brui Ktur (buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đăk Nông) chia sẻ, ông lớn lên bên bờ sông Sêrêpốk và từ nhỏ đã theo cha làm nghề quăng chài, thả lưới bắt cá. Trong ký ức của ông, sông Sêrêpốk nhiều cá lắm, nhất là loài cá lăng đuôi đỏ. Chiều tà, ông thường theo cha ra sông giăng lưới, sáng hôm sau ra gỡ, cá dính lưới dày đặc. Ông từng bắt được cá lăng đuôi đỏ nặng cả chục ký.

Những ngày lênh đênh trên sông, ông Y Brui từng nhiều lần giáp mặt với "thủy quái" cá lăng đuôi đỏ, những con sống lâu đời và cân nặng hàng chục kg. "Loài cá này thích chỗ nước chảy xoáy, ghềnh thác nguy hiểm. Mỗi khi chúng xuất hiện là khuấy động cả vùng nước, ai không vững tay chèo, dễ bị lật thuyền" - ông kể.

Theo người dân sống bên sông Sêrêpốk, loài cá lăng đuôi đỏ "khủng" xuất hiện nhiều nhất vào mùa lũ. Khi săn được con cá to bằng gốc cây, người chủ phải làm lễ cúng Giàng (thần linh). Muốn bắt cá to, thợ săn thường phóng lao hoặc giã một loại lá rừng, bỏ vào hốc đá dưới sông. Loại lá này không có độc, chỉ như một dạng thuốc gây tê, nhằm chế ngự sức mạnh của những con cá lớn. Tuy nhiên, người dân ít khi bắt cá to vì xem chúng là cá thần, không dám ăn. Ngoài ra, người dân trong buôn làng còn tuân thủ luật tục, không bắt cá vào mùa cá đẻ trứng, không tận diệt cá nhỏ vì để chúng sinh sôi…

Một con cá lăng được nhà hàng thu mua. Ảnh: V.G
Một con cá lăng được nhà hàng thu mua. Ảnh: V.G
Ảnh: V.G
Ảnh: V.G

Tuy nhiên, theo thời gian, việc săn bắt cá trên sông Sêrêpốk biến đổi, người ta săn bắt quá nhiều, chưa kể có việc đánh bắt theo kiểu tận diệt (kích điện, đánh mìn…) khiến nguồn cá trở nên khan hiếm. Để minh chứng, ông Y Brui đưa tôi ra bờ sông Sêrêpốk - nơi ông đã giăng sẵn lưới từ đêm qua. Trên chiếc thuyền làm bằng tôn nhỏ bé, ông Y Brui chèo qua hết đoạn này đến bờ kia, dỡ lưới lên nhưng không có con nào. "Giờ ít cá lắm. Nhiều hôm, tôi thả cả bao lưới nặng mà không có con cá nào" - ông Y Brui thở dài.

Ông Y BaÊban (trưởng buôn Buôr, xã Tâm Thắng) cho biết, trước đây, nhiều người trong buôn làm nghề đánh bắt cá trên sông Sêrêpốk để mưu sinh. Nhưng, những năm gần đây, nguồn cá khan hiếm, nên nhiều người chuyển nghề, đi làm thuê khắp nơi. Trong buôn chỉ còn vài người như Y Brui, Y Buê Ktuôr… còn bám nghề.

Kỳ công săn thủy quái khủng

Anh Hà Văn Cảnh (trú thôn Phú Sơn, xã Cư Pô, huyện Cư Jút) - một trong những "sát ngư" trên sông Sêrêpốk, cho hay, mùa câu cá phải từ tháng 2 trở đi . Nhiều năm theo nghề, anh Cảnh thừa nhận, nguồn cá trên sông không dồi dào như trước, nhất là loại to như cá lăng đuôi đỏ.

Anh Cảnh theo nghề câu cá lăng từ lúc 19 tuổi. Hồi ấy, anh ra sông vớt cá giúp người chú ruột, và thấy nghề câu cá lăng cho thu nhập cao lại khá nhàn hạ nên quyết định theo nghề. Anh bảo, thời điểm nhiều cá nhất là vào mùa mưa. Từ lúc vào nghề đến nay, anh Cảnh câu được con cá nặng nhất là hơn 40kg, vào năm 2014. Theo anh Cảnh, trong thôn Phú Sơn, ngoài anh còn có hàng chục "sát ngư" khác hành nghề bắt cá trên dòng sông chảy ngược. Để câu được cá lăng "khủng", việc chuẩn bị mồi câu rất quan trọng. Cá lăng thường ăn mồi cá mè và sâu đất. Khi khai mồi vào lưỡi câu, cá mè phải còn sống mới dụ được cá lăng ăn…

Một quản lý nhà hàng chuyên cung cấp, chế biến các món ăn từ cá lăng nổi tiếng ở xã Hoà Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho biết, cá lăng tự nhiên trên sông có thịt chắc, dai, giòn, vị ngọt, thơm rất đặc trưng. Nhờ đó, loài cá này rất được lòng thực khách tứ phương. Nhà hàng này từng mua được con cá lăng đuôi đỏ nặng 85kg vào năm 2019, do một ngư dân thả câu bắt được. Với cá to, nhà hàng bán giá từ 400.000-550.000 đồng/kg, cá bé hơn dao động từ 300.000-350.000 đồng/kg. Món đặc sản từ cá lăng là lòng cá xào, cá lăng nướng nghệ, cá lăng nướng muối ớt…

Ngọc Giàu (DVO)

Có thể bạn quan tâm