Xã hội

Gia đình

Dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 vừa được triển khai trên địa bàn tỉnh từ thứ bảy ngày 14-3. Đây là phương án hiệu quả giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức trọng tâm trong thời gian nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh triển khai chương trình với 3 môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh, do giáo viên giàu kinh nghiệm “đứng lớp”. Chương trình được phát sóng cố định theo khung giờ 9 giờ 35 phút vào sáng thứ bảy (môn Ngữ văn), chủ nhật (môn Toán), thứ 2 (môn Tiếng Anh) và phát lại vào 14 giờ 45 phút các buổi chiều cùng ngày để học sinh có thể theo dõi lại. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng đăng tải nội dung chương trình dạy học của từng môn trên website của Sở tại địa chỉ http://sgddt.gialai.gov.vn và trên website của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tại địa chỉ http://gialaitv.vn. 
Em Tô Mai Anh (lớp 9A1, Trường THCS Ia Ly, huyện Chư Pah) phấn khởi khi được tiếp cận chương trình dạy học trên truyền hình. Ảnh: N.T
Ông Mai Văn Sơn-Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Bước đầu triển khai chương trình, Sở đã nhận được sự đồng tình cao của các nhà trường và giáo viên, qua đó giúp học sinh ôn tập kiến thức, duy trì nền nếp học tập. Trước đó, chúng tôi đã gửi văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT cũng như các trường THCS trên địa bàn tỉnh thông tin rộng rãi đến học sinh lớp 9, đề nghị phụ huynh nhắc nhở các em theo dõi chương trình học trên ti vi. Sau 3 ngày đầu thử nghiệm, chúng tôi sẽ lắng nghe phản hồi của học sinh, phụ huynh và các thầy-cô giáo nhằm đúc rút kinh nghiệm để chương trình ngày càng hoàn thiện hơn”. 
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên sử dụng thiết bị thu âm hiện đại, chất lượng hình ảnh lại đẹp nên học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, tương tự khi nghe giảng trên lớp. Cô giáo Phạm Thị Thúy-Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku), phụ trách giảng dạy môn Ngữ văn-chia sẻ: “Mỗi tiết học kéo dài 40 phút. Theo đó, tôi khái quát lại kiến thức, hướng dẫn các em ôn tập và định hướng cách làm bài. Nhờ vậy, các em có thể tự ôn tập kiến thức trong thời gian dài nghỉ học. Qua các bài giảng trên truyền hình, tôi mong muốn các em học sinh sẽ tiếp cận được với công nghệ thông tin, phát huy tinh thần tự học để việc học tập đạt kết quả cao”.
Cô giáo Phạm Thị Thúy phụ trách giảng dạy môn Ngữ văn đã lựa chọn những kiến thức cơ bản, trọng tâm để truyền tải nội dung cho các em học sinh. Ảnh: N.T
Sau khi chương trình dạy học trên truyền hình được triển khai, em Nguyễn Thị Yến Vi (lớp 9A1, Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) phấn khởi nói: “Nếu không có thời gian, điều kiện học qua truyền hình thì chúng em có thể truy cập vào website của Sở GD-ĐT hoặc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh để theo dõi lại chương trình. Em thấy rất thích cách học này vì sự tiện lợi”. Tương tự, em Tô Mai Anh (lớp 9A1, Trường THCS Ia Ly, huyện Chư Pah) cũng bày tỏ: “Hiện nay có khá nhiều kênh học online nhưng em vẫn thích được học qua truyền hình với giáo viên của tỉnh nhà. Theo em, chương trình dễ hiểu và giúp học sinh củng cố bài cũ nhanh hơn sau thời gian nghỉ học dài ngày”.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) nhận định: Cách dạy học trên truyền hình mang tính định hướng để học sinh tự học là chính, từ đó có thể duy trì phương pháp tự học trong suốt thời gian tiếp theo. Hiện tại, chương trình dạy học trên truyền hình chỉ là thử nghiệm để ôn tập tổng thể lượng kiến thức của học kỳ I năm học 2019-2020. Có thể nói, việc dạy học qua truyền hình là cách làm hay và kịp thời, mang lại lợi ích kép khi vừa góp phần đảm bảo an toàn cho các em trong phòng-chống dịch Covid-19, vừa giúp học sinh cuối cấp tận dụng tối đa thời gian để học tập, ôn luyện kiến thức.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm