Đẩy lùi nạn tự tử: Vấn đề cấp bách và lâu dài ở Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm nay, nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành một hiện tượng phức tạp, tạo ra những hệ lụy xấu cho gia đình lẫn xã hội. Ở huyện Kông Chro, thời gian qua, tình trạng này tuy có giảm song vẫn chưa đáng kể, đòi hỏi phải “đấu tranh” thường xuyên, liên tục, kiên trì và lâu dài.

Đẩy mạnh các giải pháp

Trước thực tiễn về nạn tự tử diễn ra trên địa bàn, từ tháng 11-2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng tự tử trong nhân dân. Trên cơ sở 4 giải pháp lớn nêu trong Kế hoạch, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền trong đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Một video clip với tựa đề “Cuộc sống luôn là vốn quý” bằng hai thứ tiếng Kinh và Bahnar được xây dựng để góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.

Công tác tuyên truyền với hình thức sân khấu hóa đầy gần gũi và dễ hiểu. Ảnh: Hồng Thi
Công tác tuyên truyền với hình thức sân khấu hóa đầy gần gũi và dễ hiểu với người dân. Ảnh: Hồng Thi

Theo đó, từ tháng 4-2014 đến nay, Ban Dân vận Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa-Thông tin, Công an huyện, cơ quan Quân sự huyện, Mặt trận và các đoàn thể của huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền 14 xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền 112 đêm tại 112 điểm làng là các “điểm nóng” thường xuyên xảy ra nạn tự tử.

Với phương châm “Hướng về cơ sở”, “Toàn Đảng bộ làm công tác tư tưởng”, “Lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, các lực lượng làm công tác tuyên truyền của huyện đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, thiết thực và phù hợp với tâm lý người tiếp nhận thông tin. Nhờ đó, người dân đã nâng cao nhận thức về chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, biết yêu quý cuộc sống; một số gia đình đã vượt khó vươn lên làm giàu. Bên cạnh từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu như: tục phạt vạ (ở mức cao), tảo hôn, không làm giấy khai sinh cho con, không đăng ký kết hôn, ma lai-thuốc thư, tổ chức tang gia linh đình dài ngày…, bà con đã biết phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc (lễ hội cồng chiêng, kể khan, các điệu múa-hát dân gian…).

Đông đảo dân làng đến tham dự các buổi giao lưu, tuyên truyền liên quan đến nạn tự tử. Ảnh: Hồng Thi
Đông đảo dân làng đến tham dự các buổi giao lưu, tuyên truyền liên quan đến nạn tự tử. Ảnh: Hồng Thi

Ngoài ra, huyện Kông Chro còn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, lồng ghép và đưa các nội dung về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, từ bỏ các hủ tục; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng nhằm từng bước vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, hạn chế nạn tự tử; chú trọng phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Chư Krey là một xã khó khăn của huyện Kông Chro với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 98%. Do đó, nhận thức của người dân về hậu quả của nạn tự tử đối với gia đình, xã hội còn hạn chế. Ông Đinh Hơi-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Krey cho hay: “Vừa qua, trên địa bàn xã có xảy ra những vụ tự tử chỉ vì một số mâu thuẫn nhỏ trong gia đình hay giữa bạn bè với nhau. Rất may các nạn nhân đều đã được người thân kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện nên chưa dẫn đến cái chết. Sau khi được động viên, tuyên truyền, họ đã biết yêu quý bản thân mình và hiện đang sinh sống, làm ăn bình thường”.

Còn đó những khó khăn

Theo số liệu thống kê từ Huyện ủy Kông Chro, năm 2013, huyện có 36 trường hợp tự tử, chết 36 người; năm 2014 có 33 trường hợp, chết 32 người; năm 2015 có 8 trường hợp, chết 8 người; năm 2016 có 8 trường hợp, chết 8 người. Trong 14 xã, thị trấn, các xã: Đak Sông, Yang Trung, Ya Ma và Chư Krey là 4 địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong vấn đề giảm thiểu, đẩy lùi nạn tự tử. Đơn cử trong năm 2016, xã Đak Sông và Yang Trung không xảy ra trường hợp tự tử nào; xã Ya Ma có 1 trường hợp, xã Chư Krey có 4 trường hợp nhưng đều kịp thời phát hiện và cứu sống.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, những năm gần đây, số trường hợp và số người chết do tự tử trên địa bàn huyện Kông Chro có giảm, tuy nhiên, vẫn chưa đáng kể. Lý giải cho thực tế này, ông Nguyễn Phú Lộc-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro, cho biết: “Nạn tự tử chủ yếu xảy ra nhiều ở người dân Bahnar nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung, bắt nguồn từ nhận thức, quan điểm, suy nghĩ lạc hậu, coi cái chết quá nhẹ nhàng. Chỉ cần xích mích, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ gia đình, thậm chí tự ti vì mình không bằng bạn bè là họ tự tìm đến cái chết. Đây là những dấu hiệu tâm lý thường xảy ra bất ngờ và không thể dự liệu trước được nên công tác ngăn chặn cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, tình trạng tự tử ở địa phương dù có giảm qua các năm nhưng chưa thật sự bền vững, đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bĩ và lâu dài”.

Mang cơ hội việc làm đến với thanh niên vùng dân tộc thiểu số cũng là một giải pháp để hạn chế nạn tự tử xảy ra trong lứa tuổi này. Ảnh: Hồng Thi
Mang cơ hội việc làm đến với thanh niên vùng dân tộc thiểu số cũng là một giải pháp để hạn chế nạn tự tử xảy ra trong nhóm đối tượng này. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo ông Lộc, việc đẩy lùi nạn tự tử trong nhân dân đang trở thành nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên của toàn Đảng bộ. Do đó, để kịp thời ngăn chặn và hạn chế thấp nhất nạn tự tử, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng-an ninh cũng như thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, thời gian tới, huyện Kông Chro sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, gần gũi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân để kịp thời ngăn chặn nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường; rà soát lại các chế độ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với xây dựng, củng cố hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Câu lạc bộ “Cuộc sống là vốn quý” ở thôn làng, huyện sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các già làng, người uy tín trong cộng đồng để họ cùng chung tay kéo giảm vấn nạn tự tử.

“Đặc biệt, huyện sẽ giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, gắn trách nhiệm cho từng tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở. Nếu xảy ra trường hợp chết do tự tử thuộc cấp ủy Đảng hoặc đoàn thể nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Đây cũng sẽ là một trong những nội dung làm cơ sở để bình xét thi đua hàng năm”-ông Lộc nhấn mạnh.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm