Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, mặc dù Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào đời sống và mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia bảo hiểm trong việc khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, nhưng đến nay số lượng học sinh-sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế vẫn tăng chậm so với lộ trình của Luật Bảo hiểm y tế.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động học sinh-sinh viên tham gia loại hình bảo hiểm này không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, số lượng học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) năm học 2012-2013 là 223.202 người, đạt trên 75% tổng số lượng học sinh, sinh viên toàn tỉnh, tăng 2% so với 3 năm trước với tổng chi phí thanh toán khám-chữa bệnh gần 7 tỷ đồng.

 

 

Tuy nhiên, số lượng học sinh-sinh viên tham gia BHYT được nhận định là tăng chậm so với lộ trình của Luật BHYT. Nguyên nhân là do các đối tượng này nhận thức chưa sâu sắc về các chính sách, chế độ về BHYT, một số trường học chưa tổ chức tốt công tác y tế học đường theo Thông tư 03 của Liên bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Chính vì vậy, trước thềm năm học 2013-2014, UBND tỉnh đã có Công văn số 2066/UBND-VHXH chỉ đạo việc tăng cường thực hiện BHYT học sinh-sinh viên năm học 2013-2014. Theo công văn này, Sở Giáo dục-Đào tạo có nhiệm vụ xây dựng các nội dung thực hiện về BHYT học sinh, sinh viên và đưa vào kế hoạch thực hiện kể từ năm học 2013-2014; chỉ đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, thị xã, thành phố, các trường, trung tâm trực thuộc Sở chủ động phối hợp cơ quan Bảo hiểm Xã hội trên địa bàn tổ chức tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành và phụ huynh học sinh-sinh viên về vai trò của BHYT với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh-sinh viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức phát triển BHYT đối với học sinh-sinh viên trong nhà trường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế trong các trường học; kiểm tra, đánh giá, phân loại và quản lý sức khỏe học sinh-sinh viên; đề xuất các biện pháp nâng cao sức khỏe cho học sinh-sinh viên cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT và các giải pháp về dự phòng, nâng cao sức khỏe trong lực lượng học sinh-sinh viên.

Thực hiện chỉ đạo này, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có công văn chỉ đạo các phòng ban trên địa bàn triển khai công tác BHYT trong các trường học phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Một số địa phương đã sớm triển khai việc thực hiện kế hoạch chỉ đạo này gồm: Ia Grai, Phú Thiện, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Pah, Chư Sê... Đáng chú ý là UBND thị xã An Khê đã kịp thời chỉ đạo các xã, phường, các ngành liên quan tăng cường triển khai thực hiện chính sách BHYT đối với học sinh trên địa bàn.

Cụ thể, kể từ năm học 2013-2014 trở đi, những trường đã có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt từ 50% trở lên thì tiếp tục giữ vững và phát triển thêm, những trường có tỷ lệ học sinh tham gia thấp phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động học sinh tham gia đạt tỷ lệ từ 50% trở lên. Các huyện Phú Thiện, Mang Yang, Ia Grai thì xem xét đưa chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT đạt 100% để đánh giá, đề nghị công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các bậc tiểu học, THCS, THPT và là chỉ tiêu thi đua đối với các nhà trường; không xét thi đua đối với các trường có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT dưới 50%.

Riêng huyện Đức Cơ còn chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang-thiết bị cho công tác y tế trường học trong các trường học, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 538 phê duyệt “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”. Một trong những giải pháp hàng đầu trong giai đoạn này là tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT với những giải pháp phù hợp cho từng đối tượng, trong đó bao gồm nhóm người lao động trong các doanh nghiệp, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh-sinh viên.

Đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với học sinh-sinh viên của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở Giáo dục-Đào tạo, các trường.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT… theo đúng lộ trình “Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến năm 2020” mà Chính phủ đề ra.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm