Đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Chú trọng tuyên truyền trong cộng đồng
Ông Đinh Văn (làng Hà Lâm, xã Sơn Lang, huyện Kbang) cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Vì vậy, vợ chồng ông buộc phải lấn chiếm đất của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng để làm rẫy. Sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình ông trả lại đất lâm nghiệp cho Nhà nước. Đặc biệt, từ khi tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với mức thu nhập ổn định hơn 6 triệu đồng/năm, vợ chồng ông không còn ý định phát nương làm rẫy như trước nữa.
Theo ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng: Để bảo vệ tài nguyên rừng cần rất nhiều các biện pháp khác nhau. Trong đó, tuyên truyền giúp người dân hiểu được vai trò của rừng đối với cuộc sống là giải pháp rất quan trọng. Do vậy, bằng nhiều hình thức khác nhau, lực lượng bảo vệ rừng ở đây đã truyền tải những thông điệp về rừng, về đa dạng sinh học đến các tầng lớp người dân và các em học sinh sống trong vùng đệm của Khu bảo tồn. “Ngoài phương pháp tuyên truyền trực tiếp, chúng tôi còn kết hợp sử dụng các phương tiện như: máy chiếu, tài liệu, sử dụng tranh ảnh, lịch tuyên truyền, pa nô, bảng tam giác, bảng nội quy để tuyên truyền”-ông Ty nói.
Tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR cho cộng đồng dân cư xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Minh Triều
Tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR cho cộng đồng dân cư xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Minh Triều
Bên cạnh đó, từ năm 2015, trung bình mỗi năm đơn vị khoán 4.000 ha cho cộng đồng 6 thôn/làng vùng đệm với đơn giá 200.000 đồng/ha/năm. Riêng từ năm 2017 đến nay, các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được nhận 400.000 đồng/ha/năm. Thông qua công tác khoán bảo vệ rừng, nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trong vùng đệm có cơ hội cải thiện sinh kế và bảo vệ tài nguyên rừng.
Làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) có 163 hộ tham gia quản lý, bảo vệ gần 2.100 ha rừng, thu nhập bình quân từ tiền chi trả DVMTR trên 10 triệu đồng/hộ/năm. Ông Đinh Sưr-Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng-cho hay: “Được tuyên truyền, giải thích, cộng đồng dân cư ở đây đều hiểu chính sách chi trả DVMTR giúp họ cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và có cuộc sống ổn định từ việc tham gia giữ rừng. Do vậy, chúng tôi ý thức phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng”.
Nâng cao nhận thức đối với học sinh
Để chính sách chi trả DVMTR được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng, ngoài việc tuyên truyền tại các thôn/làng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn chủ động phối hợp với một số trường học trên địa bàn các huyện: Chư Păh, Kbang, Chư Prông, Ia Grai, Mang Yang tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép hoạt động tuyên truyền, tìm hiểu về chính sách chi trả DVMTR. Thầy Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong (huyện Kbang) cho biết: Những buổi truyền thông đã giúp các em học sinh hiểu thêm về vai trò của rừng. Vì vậy, chính các em sẽ là người trực tiếp tuyên truyền cho cha mẹ và người thân không chặt, đốt, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, góp phần rất lớn trong công tác vận động người dân nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương.
Người dân xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa tham gia phong trào trồng cây phân tán do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ kinh phí
Người dân xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa tham gia phong trào trồng cây phân tán do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ kinh phí. Ảnh: Minh Triều
Ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-khẳng định: “Việc giáo dục học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường về bảo vệ rừng là rất quan trọng. Khi các em học sinh có ý thức thì sẽ giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng đến gia đình và cộng đồng”. Ông Thưởng cũng cho biết thêm: Thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho chủ rừng là cộng đồng dân cư, cộng đồng hộ nhận khoán bảo vệ rừng và học sinh khối THCS. Việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR có tác động tích cực đối với toàn thể xã hội. Đặc biệt, việc tuyên truyền trong trường học đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của học sinh, nhất là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, từ đó chung tay bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái.
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm