Dạy Ngữ văn theo hướng mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào chiều 19-1. Theo đó, các môn học có rất nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành. Đặc biệt, môn Ngữ văn được đánh giá cao khi cho phép giáo viên dạy theo hướng mở, chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực sở trường của cá nhân người học.

Chương trình Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về nghe, nói, đọc, viết cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa đặc biệt của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.

 

Chương trình giáo dục phổ thông mới khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá bản thân. Ảnh: N.G
Chương trình giáo dục phổ thông mới khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá bản thân. Ảnh: N.G

Những văn bản khác được chương trình nêu lên trong phần phụ lục chỉ như một gợi ý về dữ liệu, minh họa về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về nghe, nói, đọc, viết ở mỗi lớp và nhóm lớp. Căn cứ vào các yêu cầu bắt buộc này, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên môn Ngữ văn hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình.

“Chương trình mới cho phép giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học, miễn là bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các dữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá. Tôi cho rằng đây là một điểm mới ưu việt vì chương trình hiện hành đã cũ, yêu cầu nặng về nội dung, phương pháp dạy không còn phù hợp. Hiện nay, phương tiện nghe, nhìn phát triển mạnh, học sinh có rất nhiều kênh để tiếp cận kiến thức một cách sinh động nên các em sẽ không có đủ kiên nhẫn để ngồi cả một tiết học chỉ để nghe và viết mà không có hoạt động thú vị gì liên quan đến bài học”-cô Đinh Thị Phương Chi-giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê), cho biết.

Còn thầy Đặng Văn Du-giáo viên Ngữ văn Trường THPT Pleiku, cho rằng, môn Ngữ văn trong chương trình mới không có sự thay đổi quá nhiều về nội dung nhưng có sự thay đổi lớn về phương pháp dạy học. “Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh; hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ học sinh để các em từng bước hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi. Giáo viên cần khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh về vấn đề đang học, từ đó tổ chức cho các em tìm hiểu, khám phá để tự mình bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy.

Vì vậy, theo tôi, giáo viên cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác trong quá trình nghe, nói, đọc, viết”-thầy Du cho biết. Theo phân tích của thầy Du, bên cạnh việc phát huy tính tích cực của người học, giáo viên cần chú ý tính chuẩn mực của người thầy cả trong tri thức và kỹ năng sư phạm. Chú ý yêu cầu dạy học tích hợp (tích hợp nội môn, liên môn, xuyên môn) và yêu cầu dạy học phân hóa, đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học; tránh máy móc, rập khuôn, không tuyệt đối hóa một phương pháp trong dạy đọc, viết hay nói và nghe mà biết vận dụng các phương pháp linh hoạt, phù hợp; mở rộng không gian dạy học và các hình thức học tập.

Cũng theo thầy Du, môn Ngữ văn trong chương trình mới có xu hướng hướng tới học sinh nhiều hơn, giúp các em có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa. Ngoài các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn còn tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hóa; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các tác phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm