Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vốn ODA là khoản viện trợ chính thức được giám sát với mục đích thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội dành cho các nước đang phát triển. Gia Lai hiện có 11 dự án ODA, trong đó có 4 dự án do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản và 7 dự án do các bộ, ngành Trung ương làm chủ quản. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án cho tới nay được đánh giá là đạt yêu cầu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” (gọi tắt là KfW10) khởi động từ năm 2015 (dự kiến hoàn thành năm 2021) với tổng vốn đầu tư 11,29 triệu Euro, trong đó vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) là 8 triệu Euro, tương đương 224 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 3,29 triệu Euro, tương đương 92,12 tỷ đồng. Tại Gia Lai, tổng số vốn được cấp phát là 45,47 tỷ đồng. Từ khi triển khai tới nay, dự án giải ngân trên 16,2 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch. Riêng kế hoạch giải ngân trong năm 2017 là 5,344 tỷ đồng và hiện đã giải ngân được 3,762 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch. Đây là dự án góp phần duy trì sự toàn vẹn của hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tự nhiên tại khu vực thuộc miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời nâng cao điều kiện sống cho cộng đồng dân cư địa phương.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non (ảnh minh họa).
Nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non. Ảnh: Kim Linh

Được đánh giá là dự án ODA lớn nhất từ trước đến nay, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai do Ngân hàng Thế giới tài trợ có mức vốn 27 triệu USD (tương đương 570,2 tỷ đồng) nhằm giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giúp bà con địa phương cải thiện thu nhập và từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực để xóa nghèo bền vững. Dự án triển khai tại 217 thôn, làng của 25 xã nghèo nhất của 5 huyện: Ia Pa, Kbang, Kông Chro, Krông Pa và Mang Yang. Sau 3 năm triển khai, đến thời điểm này, dự án đã giải ngân được gần 176 tỷ đồng.

Cũng là một trong những dự án ODA có nguồn vốn lớn, Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay, tại 231 thôn, làng của 26 xã thuộc 5 huyện: Đak Đoa, Kông Chro, Kbang, Ia Pa và Krông Pa với nguồn vốn 287,1 tỷ đồng. Từ khi thực hiện dự án đến nay, đã có gần 21.560 hộ được hưởng lợi trực tiếp, đạt 102% so với mục tiêu đề ra; trong đó, có trên 8.810 hộ nghèo, đạt 168% kế hoạch. Đặc biệt, 12/26 xã tham gia dự án đạt trên 50% tiêu chí nông thôn mới… Đến nay, dự án đã giải ngân được 262,98 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,6% tổng vốn.

Nỗ lực hoàn thành theo cam kết với nhà tài trợ

Toàn tỉnh hiện có 11 dự án ODA, trong đó có 4 dự án do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản và 7 dự án do các bộ, ngành Trung ương làm chủ quản với tổng mức đầu tư là 1.874 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 1.603 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách nhà nước 271 tỷ đồng. Hiện các dự án có khối lượng thực hiện và giải ngân từ khi khởi công đến hết tháng 6-2017 là 623 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 511 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, giải ngân được trên 69 tỷ đồng (vốn ODA là 65,1 tỷ đồng).

“Sau khi được phê duyệt kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và kế hoạch đấu thầu năm 2017, chủ đầu tư đã tập trung triển khai thực hiện dự án. Vốn cũng được kịp thời chuyển cho các đơn vị cấp huyện, xã để triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo chuyên đề, hợp phần của các dự án theo kế hoạch. Do vậy, khối lượng thực hiện của các dự án nhìn chung đạt yêu cầu”-ông Trần Đình Triết-Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của một số dự án vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do dự án ODA do các bộ, ngành Trung ương làm chủ quản chuyển vốn từ các đơn vị tài trợ năm 2017 chậm. Việc thực hiện các thủ tục như điều chỉnh bổ sung danh mục, mức vốn cho các dự án chưa được giao vốn trong năm 2017, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án... mất nhiều thời gian. Điều này khiến một số dự án ODA hiện có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Dự án phát triển giáo dục Mầm non Gia Lai (tỷ lệ giải ngân 2%), Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Gia Lai-VnSAT (giải ngân 7%) và một số dự án chưa giải ngân... “Để đẩy nhạnh tiến độ thực hiện các dự án ODA, chúng tôi tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện thỏa thuận, cam kết với nhà tài trợ theo đúng kế hoạch”-ông Trần Đình Triết cho biết.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm