Dạy và học tiếng Việt ở Ban Lung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong gian phòng hẹp, hơn chục bộ bàn ghế, 1 chiếc bảng đen, 2 giáo viên với gần 30 học trò cùng nhau ê a đọc chữ… Đó là hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp được vào một ngày cuối năm 2012, khi ghé thăm lớp học tiếng Việt do chi hội Việt kiều mở tại TP. Ban Lung (tỉnh Rattanakiri-Campuchia).

Ra đời bằng cả tâm huyết

Chi hội Việt kiều tại tỉnh Rattanakiri được thành lập từ tháng 5-2010. Không có trụ sở, Hội phải thuê nhà để làm việc với giá 250 USD/tháng. Ngôi nhà có hai gian, một bên làm văn phòng Hội, một bên vẫn để trống. Nhận thức được đời sống của bà con Việt kiều nơi xứ người còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhập quốc tịch, kéo theo việc con cái không được học hành đến nơi đến chốn; đồng thời, với mong muốn giúp con em kiều bào không quên đi nguồn cội của mình, chi hội đã nảy ra ý định mở lớp dạy tiếng Việt ngay tại gian phòng trống của Hội sở.
 

Lớp học tiếng Việt tại Ban Lung. Ảnh: Hồng Thi
Lớp học tiếng Việt tại Ban Lung. Ảnh: Hồng Thi

Bà Châu Thị Liên-Phó Chủ tịch chi hội, cho biết: “Trẻ con nơi đây chỉ học được tới lớp 3 ở các trường tư nhân, muốn học lên nữa thì bắt buộc phải có quốc tịch để vào trường nhà nước. Bởi thế, vì tương lai con cái, nhiều kiều bào phải nhờ một gia đình người Campuchia thân thuộc làm cha mẹ nuôi để có thể nhập Quốc tịch cho con. Tất cả các trường đều đào tạo bằng tiếng Campuchia, cho nên nhiều cháu không hề biết tới tiếng mẹ đẻ của mình. Cũng chính vì lý do đó nên chúng tôi quyết định mở ra lớp học này”.

Công tác vận động được tích cực tiến hành tới 500 hộ thuộc chi hội, danh sách đăng ký ban đầu là 126 học sinh. Công tác chuẩn bị về dụng cụ học tập, bàn ghế, bảng đen… cũng được gấp rút hoàn tất. Sách giáo khoa thì do chủ xe Minh Trang chạy tuyến Gia Lai-Ban Lung giúp đỡ. Vợ chồng anh Trần Văn Hoan (đã tốt nghiệp Khoa Giáo dục Thể chất, Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa năm 2007 nhưng chưa có việc làm) và chị Trần Thị Lài được ông Phạm Văn Ninh-Chủ tịch chi hội-đưa sang làm giáo viên đứng lớp để giúp đỡ bà con. Và, trên tinh thần đó, ngày 2-10-2010, lớp học chính thức ra mắt và bắt đầu đi vào học tập, giảng dạy.
 

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thầy giáoTrần Văn Hoan luôn tâm huyết trong hành trình mang cái chữ đến cho trẻ em Việt kiều nơi đây. Ảnh: Hồng Thi
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thầy giáoTrần Văn Hoan luôn tâm huyết trong hành trình mang cái chữ đến cho trẻ em Việt kiều nơi đây. Ảnh: Hồng Thi

Kể từ hôm ấy, ngày ngày, mỗi khi tạt ngang qua căn nhà bé nhỏ này, bao người con đất Việt xa xứ lại cảm thấy ấm lòng hơn bởi những thanh âm quê nhà quen thuộc. Thầy đọc trước, trò nối theo sau, cái giọng điệu ê a ấy hòa quyện cùng nhịp thước gõ đều đều, cứ thế vang vọng cả một góc phố.

Đồng lòng vượt khó

Học sinh của lớp nhỏ nhất là 4 tuổi, em lớn nhất cũng đã 15 tuổi, nhưng tất cả đều được đào tạo chương trình lớp 1. “Những ngày đầu vất vả và khó khăn lắm! Các em cơ bản không biết gì hết, ngay cả tư thế ngồi viết. Đi học cũng không đều, thích thì đi không thích thì nghỉ, chi hội và chúng tôi phải tới từng nhà động viên thường xuyên. Đến lớp, các em tiếp thu chậm, cô thầy nói ít khi chịu nghe lời, đôi lúc tôi thấy nản. Rồi sau đó nghĩ rằng, mình qua đây là để giúp đỡ bà con người Việt mình, cho con em họ biết cái chữ nên vợ chồng tôi hạ quyết tâm gắn bó với các em tới cùng. Giờ thì hầu hết các em đã nhận biết được mặt chữ, thuộc bảng chữ cái và ghép vần được, chỉ viết là còn yếu. Nhưng tôi tin nếu kiên trì dạy, các em sẽ tiến bộ nhanh trong thời gian tới”-thầy giáo Hoan chia sẻ.

Em Nguyễn Thị Mỹ Huyền (6 tuổi) là một trong những học sinh khá của lớp nhưng lại tỏ ra hơi rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Nấp tấm thân bé nhỏ của mình sau lưng thầy, Huyền ngập ngừng đáp lại câu hỏi của tôi: “Đến lớp, em được thầy cô dạy chữ, được chơi với các bạn trong lớp vui lắm”.
 

Báo Gia Lai tặng sách giáo khoa cho lớp học. Ảnh: Hồng Thi
Báo Gia Lai tặng sách giáo khoa cho lớp học. Ảnh: Hồng Thi

Nói về mong ước của chi hội và những kiều bào ở đây, bà Liên bày tỏ: Chúng tôi hy vọng có được một mặt bằng rộng hơn để xây dựng trụ sở làm việc và đầu tư  trường lớp khang trang hơn cho các cháu chứ thuê nhà như thế này không phải là phương án lâu dài. Chi hội cũng đang vận động bà con nhưng có lẽ không đủ để thực hiện vì đời sống người Việt mình bên này quá khổ. Mong rằng thời gian tới, chi hội sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền cũng như các doanh nghiệp trong nước để con em người Việt ở đây có điều kiện học hành tốt hơn.

Nhìn những khuôn mặt hồn nhiên, vô tư của bọn trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng khi cái sự học mà chi hội Việt kiều Rattanakiri đang từng ngày nỗ lực gầy dựng và duy trì cho các em nơi xứ người có thể sẽ phải dừng lại bất cứ lúc nào bởi nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan như bao người đã biết. Tuy vậy, chúng ta vẫn có quyền hy vọng rằng, rồi đây, kiều bào Việt Nam tại Ban Lung nói riêng và toàn lãnh thổ Campuchia nói chung sẽ có được những quyền lợi chính đáng của mình, đời sống được cải thiện hơn, học thức được nâng cao hơn… Và nhất là, âm thanh trẻ con ê a đọc tiếng Việt sẽ ngày một vang vọng ở nhiều nơi hơn trên đất nước chùa tháp.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm