Xã hội

Gia đình

Để con trẻ hứng thú với việc học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con gái của cô bạn tôi năm nay lên lớp 2. So với cả lớp, bé học hơi kém môn Tiếng Anh. Bạn tôi đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm cho con một lớp học thêm. Một tuần 4 buổi, trong đó có 2 buổi học chung, 2 buổi học riêng với cô để cô kèm thêm cho kịp trình độ với các bạn. Tức là cô bé như mang 2 cái “ách”. Một là phải đuổi cho kịp các bạn trên lớp chính thức, lại phải theo bằng được các bạn ở lớp học thêm.
Cô bạn tôi tâm sự: “Có hôm đón con ở lớp Tiếng Anh, thấy con ngồi riêng một phòng, mặt buồn xo. Hỏi tại sao, con nói con quên chưa làm bài tập nên cô phạt. Nhớ ra là chiều hôm qua con có lớp học thêm. Về đến nhà chỉ kịp ăn cơm, tắm rửa, học bài trên lớp rồi ngủ. Thấy con học vất vả, mình thương chảy nước mắt mà không biết phải làm sao”.
Tôi biết, bởi không ít lần nghe các chị đồng nghiệp than vãn chuyện học hành của con. Vừa đưa đứa lớn đến lớp học Toán thì phải chạy đi đón đứa nhỏ ở lớp học vẽ. Lùa vội vào quán cho con ăn tạm gì đó lót bụng rồi tiếp tục đến lớp Tiếng Anh. Cả ngày không biết bao nhiêu vòng xe chạy quanh thành phố chỉ để phục vụ chuyện đưa đón con đi học ở trường rồi học thêm. Cứ mỗi mùa hè đến lại nghe các bậc cha mẹ tất tả dò hỏi tìm lớp học chuẩn bị vào lớp 1, học chữ, luyện viết… kẻo vào năm học con không theo kịp các bạn.
Ảnh minh họa.
Phần lớn phụ huynh đều lựa chọn việc cho con học thêm để có được cảm giác an tâm. Thực tế vẫn có nhiều phụ huynh không cho con học thêm nhưng con họ vẫn học giỏi, đỗ đạt và thành công. Ngày càng nhiều cha mẹ hiện đại tìm cách để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tôi rất thích cách nuôi dạy con của chị Uyên Bùi-đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng “Để con được ốm”. Chị chọn hình thức unschooling (không đến trường) cho bé Mật Ong. Thường xuyên theo dõi trên Facebook của chị sẽ thấy bé Mật Ong lớn lên từng ngày theo cách tự nhiên nhất. Mỗi ngày bé học được rất nhiều điều từ môi trường xung quanh. Bé tò mò, thích thú về điều gì thì sẽ mải mê tìm hiểu về cái đó cho đến tận cùng. Và hơn hết, tôi thấy bé Mật Ong rất hạnh phúc với mỗi điều học được mà không phải đến bất kỳ trường lớp nào.
Dù vậy, phương pháp unschooling đòi hỏi tài chính gia đình vững vàng cũng như bố mẹ phải dành nhiều thời gian cho con cái. Vì thế, trong lúc chưa thể unschooling thì chúng ta vẫn có rất nhiều giải pháp khác để khiến con có hứng thú học tập hơn. Ví dụ như để con tự lập ra thời gian biểu hài hòa, cân đối giữa việc học, việc chơi; hiểu và khuyến khích, tạo điều kiện để con phát huy điểm mạnh, môn học sở trường để trẻ có được hứng thú trong việc học. Không tạo áp lực điểm số, thành tích lên việc học của con, tạo điều kiện cho con được tham gia các hoạt động xã hội để có thêm kỹ năng mềm cũng như kiến thức thực tế. Hoặc sau những giờ học căng thẳng, tranh thủ những ngày nghỉ, cha mẹ lại cùng các con tạo nên những giờ giải lao chất lượng cũng như đi du lịch, picnic, dạo chơi công viên, khám phá thiên nhiên...
 KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm