Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Để Đảng ta xứng đáng là "đạo đức, văn minh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Chỉ thị này đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của nhân dân. Bởi chuyện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất” luôn là một nỗi đau, là câu hỏi lớn cần được trả lời bằng những hành động kiên quyết, hiệu quả để Đảng ta xứng đáng là Đảng “đạo đức, văn minh”. 
Những năm gần đây, số đảng viên kết nạp mới tăng nhanh, trình độ học vấn của đảng viên mới kết nạp ngày càng cao. Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng. Việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra ở nhiều nơi; còn vi phạm quy định, nguyên tắc về kết nạp đảng viên. Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng, thiếu thống nhất giữa các tổ chức Đảng. Còn một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng. Một số đảng viên có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những khuyết điểm, yếu kém đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thực ra, tình trạng này gây bức xúc trong nhân dân đã lâu, khi ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm bị phát hiện, bị kỷ luật, thậm chí là phải ra tòa vì những vi phạm nghiêm trọng của mình, đặc biệt là từ khi cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí được Đảng ta tiến hành mạnh mẽ mấy năm gần đây dưới sự chủ trì, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. 
Từ 5.000 đảng viên thời Cách mạng tháng Tám, đến năm 1960, cả nước có 500.000 đảng viên. Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả nước có khoảng 1,5 triệu đảng viên. Nhưng bước sang thế kỷ XXI, số lượng đảng viên đã tăng nhanh. Năm 2006, cả nước có hơn 3,1 triệu đảng viên, năm 2015 hơn 4,5 triệu, năm 2017 hơn 4,9 triệu. Tức là trong thời kỳ có ít những bài học “thử thách” nhất thì số lượng đảng viên được kết nạp cũng nhiều nhất. 
Tuy nhiên, 50.938 đảng viên bị xóa tên, trong đó có 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng trong 6 năm (2011-2017) là những con số cho thấy chưa bao giờ số đảng viên bị kỷ luật nhiều đến thế. Đặc biệt là trong số đó có hơn 60 cán bộ do Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật vì những vi phạm rất nghiêm trọng, có những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy… Buông lỏng nguyên tắc khi kết nạp đảng viên, bao che dung dưỡng cho những lỗi nhỏ tất sẽ biến thành tội phạm nghiêm trọng khi những “đảng viên” kiểu này luồn sâu, leo cao vào bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Nhận biết hạn chế, khuyết điểm và có biện pháp sửa chữa là điều nên làm và phải làm. Một chỉ thị về sàng lọc đảng viên lúc này là hết sức cần thiết. Điều quan trọng là cần có một quyết sách đúng đắn để loại bỏ ngay từ đầu những cán bộ, đảng viên yếu kém, tham nhũng. Bởi cho dù cái “lò chống tham nhũng” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khởi xướng, lãnh đạo được nhân dân đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ đang cháy rực thì cũng không thể cứ cháy mãi.
Vấn đề còn lại là “ai sàng”  và “sàng ai”? Nếu không đặt đúng tầm mức công tác này thì việc sàng lọc sẽ rơi vào tình trạng “hò voi bắn súng sậy”, rất có thể đảng viên tốt, đảng viên đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng lại trở thành đối tượng bị “sàng” đầu tiên.
Một khi tình trạng 5 “C” (con cháu các cụ cả), 4 “ệ” (hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ) và 5 “Đ” (đố điều đi đâu được) chưa bị dẹp bỏ tận gốc, nhiều đảng viên giữ chức vụ Đảng và chính quyền ở cơ quan là vợ con, em út, họ hàng của các sếp và cấp trên vẫn sẽ tồn tại. Và nếu tổ chức Đảng và chính quyền bị nhóm lợi ích chi phối thì việc sàng lọc sẽ ra sao?
Nhân dân ngàn tai ngàn mắt, độ lượng nhưng không bao giờ chấp nhận bao che cho cái xấu, cái ác, sẽ là tai mắt cho Đảng. Nếu những người được Đảng tin tưởng giao trọng trách thực thi, thực tâm “sàng” cho bằng được, cùng với sự giúp sức của dân thì nhất định Đảng sẽ “sàng lọc” được những phần tử yếu kém năng lực, suy thoái đạo đức lối sống, phai nhạt mục tiêu lý tưởng ra khỏi đội ngũ của mình.
NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm