Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, “số lượng những người phải gánh chịu nạn đói trên thế giới có nguy cơ lên tới con số kỷ lục- 1 tỉ người” (Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO)- Jacques Diouf cho biết). Và cuộc khủng hoảng kinh tế ấy cũng đã ảnh hưởng không ít đến việc mưu sinh của người dân Việt Nam.
Nếu như trong 2 năm (2006-2007) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (NTP-PR) giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 3,6% thì đến cuối năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn 13%, chỉ giảm 1,8% so với cuối năm 2007. Năm 2009, số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Việt Nam cho thấy hiện có khoảng 12 triệu người nghèo trong tổng số 86 triệu dân và còn rất nhiều người đang sống rất gần ngưỡng nghèo.
Bánh chưng- hương vị Tết Việt. |
Hiện nay, trong khi mọi người hân hoan và hối hả chuẩn bị khai xuân thì vẫn còn nhiều gia đình nghèo, những số phận bất hạnh không đủ điều kiện đón Tết. Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm đến người nghèo. Bác đã từng tâm sự: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc Văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng miền núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài; và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.
Ngay đêm Ba mươi Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên 1945, Bác Hồ đến thăm và đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết. Đến khi kháng chiến đã thắng lợi, hòa bình đã 6 năm, nghe báo cáo đâu đâu cũng no ấm, vui tươi, Bác không yên tâm. Bất ngờ, Bác đến thăm một số gia đình cũng vào thời khắc giao thừa. Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Ngay thủ đô mà còn những cảnh ngộ như thế, vậy còn bao nhiêu gia đình tương tự ở trên đất nước này?
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất cố gắng trong việc xóa đói giảm nghèo và đạt được kết quả đáng kể. Một năm qua, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nhằm giúp 62 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo trên 50% sớm thoát nghèo, từng bước vươn lên phát triển bền vững, số hộ nghèo đã giảm được 4%. Diện mạo các huyện nghèo đã có sự đổi thay rõ rệt; đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện một bước. Tính đến ngày 30-11-2009, các huyện trên đã khởi công xây dựng hơn 59.000 căn nhà, trong đó đã có trên 36.300 căn nhà hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo sử dụng, số còn lại cơ bản đã tập kết vật liệu để triển khai trong những ngày cuối năm. Đặc biệt, 2 tỉnh là Lâm Đồng và Ninh Thuận đã hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt và phấn đấu trước Tết Nguyên đán Canh Dần cơ bản hoàn thành mục tiêu hỗ trợ xong nhà ở cho người nghèo để đồng bào yên tâm đón Tết.
Năm 2010 đã đến, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện tốt 6 mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 30a: Đưa bình quân hộ nghèo xuống dưới 40%; hoàn thành cơ bản giao đất, giao rừng, trồng rừng, khoanh nuôi- bảo vệ rừng; tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông-lâm nghiệp, kinh tế nông thôn; đẩy mạnh một bước quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực và chuyển một bộ phận lao động tại 62 huyện nghèo sang lao động công nghiệp, lao động dịch vụ, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo tại các huyện nghèo đạt từ 25% trở lên; xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Dân tộc ta có truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần “Tương thân tương ái”. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ủng hộ giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào nghèo, những số phận bất hạnh cũng cảm thấy ấm lòng hơn. Ngày 31-12, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức chương trình cầu truyền hình vì người nghèo “Nối vòng tay lớn” năm 2010. Theo Ban tổ chức, cả nước sẽ phấn đấu vận động trên 3.000 tỉ đồng để chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết Canh Dần. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ đưa vào “Quỹ vì người nghèo” và “Quỹ Khuyến học”. Hy vọng trong vài năm tới nước ta không còn cảnh đói khổ, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như Bác Hồ hằng mong mỏi.
Nhật Minh