Thời sự - Bình luận

Để những "cô gái kim cương" không phải bán rau, bán dừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên trang “Nàng 9- sáp dừa Trà Vinh” giá một trái sáp dừa Cầu Kè chỉ 109k. Nhưng trên một status, có chỉ 17 comment, và 1 người mua… 2 trái. Đó là trang bán hàng online của Đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam: Huỳnh Như.

 

Huỳnh Như bán dừa sáp mưu sinh. Kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt luôn là lương thiện và đáng tự hào, nhưng một tiền đạo đội trưởng bán hàng online cứ sai sai thế nào. Ảnh: FBNV
Huỳnh Như bán dừa sáp mưu sinh. Kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt luôn là lương thiện và đáng tự hào, nhưng một tiền đạo đội trưởng bán hàng online cứ sai sai thế nào. Ảnh: FBNV


Đời sống, sinh kế của nữ cầu thủ từng gây xúc động dư luận khi năm 2014, bức hình “nữ cầu thủ bán rau” được đưa lên mạng.

Vẫn là “quần đùi áo số”. Nhưng thay vì dũng mãnh trên sân, là cái dáng ngồi gập gối, trước những rau, những tỏi, những cà chua, những dưa chuột… bên một lề đường nào đó. Bán rau là cách mưu sinh của Nguyễn Thị Liễu, tiền vệ của CLB Phong Phú Hà Nam và Đội tuyển nữ Việt Nam.

Liễu, trở về với cuộc sống đời thường ngay khi ghi bàn trong trận gặp Bahrain tại vòng loại Asian Cup.

Bán rau vỉa hè như Liễu, bánh mì lề đường như Kim Hồng, hay việc Huỳnh Như bán dừa online, thật đáng trân trọng. Kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt của chính mình luôn là lương thiện và đáng tự hào.

Nhưng từ chuyện Nguyễn Thị Liễu bán rau năm xưa đến Huỳnh Như bán dừa hôm nay có một khoảng cách là không hề có khoảng cách: Các nữ cầu thủ bao năm qua vẫn phải cật lực tay trái nuôi tay phải. Với tất cả những gì họ có.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua đã gọi những cô gái của chúng ta là “những cô gái kim cương”.

Kim cương, ở nghĩa còn quý hơn vàng.

Kim cương, ở việc họ đã phải mài dũa bao năm qua để có được kỳ tích lịch sử hôm nay.

Và kim cương, cả ở sự lấp lánh giữa cuộc mưu sinh chưa bao giờ dễ dàng với nữ cầu thủ.

5 triệu đồng tiền lương! Và thấp hơn. Luôn phải có một nghề tay trái để có thể đeo đuổi đam mê. Và ngay sau những chiến công, những tung hô - nếu giành thắng lợi - lại lầm lũi quay lại với đời thường, với cuộc mưu sinh.

Thủ tướng hôm qua đã ra một đề bài: Làm sao sau khi lá cờ tổ quốc được kéo lên tôn vinh các vận động viên... thì cuộc sống của họ được đảm bảo, nhất là sau khi giải nghệ.

Và ông “giao Bộ Tài chính” nghiên cứu lập Quỹ bóng đá nữ, tạo nguồn lực phát triển bóng đá nữ Việt Nam.

“Đề bài” của Thủ tướng cùng với kỳ tích của các cô gái hôm nay rất đáng để coi là một cơ hội để thay đổi chế độ chính sách đãi ngộ với những vận động viên thể thao nữ nói chung

Hôm qua, 2 trường đại học Hoa Sen và Đại học công nghệ quốc gia đã công bố chính sách ưu tiên tuyển thẳng đối với các thành viên của các thành viên đội tuyển nữ.

Học hành để có một công việc tay phải hậu đỉnh cao; cơ chế tài chính từ nhà nước... dường như mới là hướng đi đúng để chấm dứt những câu chuyện trở về nhà bán rau sau khi lập kỳ tích.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-nhung-co-gai-kim-cuong-khong-phai-ban-rau-ban-dua-1013224.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm