Kinh tế

Nông nghiệp

Để tiến tới nền nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản sở dĩ trở thành “cơn sốt” trên thị trường Việt Nam, dù giá cả hết sức đắt đỏ, phần quan trọng nhất nằm ở chữ “sạch”. Tới bia chai của Nhật, mỗi chai có giá khoảng 200.000 đồng cũng vì đó là “bia organic”. Chữ “sạch” ấy bây giờ đã là một tiêu chí mang tầm thế giới. Nếu ai có sản phẩm nông nghiệp sạch, người đó sẽ có cơ hội tiêu thụ rất tốt ở thị trường nội địa và nhất là xuất khẩu. Ngược lại, khi đưa ra thị trường những sản phẩm không sạch, hoặc chỉ đội lốt “sạch” về hình thức thì chỉ góp phần đầu độc nhân dân mình, tuyệt đối không được thị trường thế giới chấp nhận.
Không còn con đường nào khác cho nông nghiệp Việt Nam ngoài phải sản xuất được những sản phẩm sạch
Không còn con đường nào khác cho nông nghiệp Việt Nam ngoài phải sản xuất được những sản phẩm sạch (ảnh internet)
Phải nói ngay rằng, không còn con đường nào khác cho nông nghiệp Việt Nam ngoài phải sản xuất được những sản phẩm sạch, bất kể đó là lúa gạo hay thực phẩm, là hoa quả hay rau củ nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời đại này. Nhưng khi nông dân Việt Nam đang “hoa mắt” với hơn 10.000 loại phân bón, trong đó hầu hết là phân bón hóa học, thì chuyện chỉ hô hào dùng phân bón hữu cơ trong tình hình ấy sẽ dễ dàng trở thành những “tiếng hô lạc lõng”.
Bây giờ thì những người lãnh đạo ngành nông nghiệp mới nhận ra, bao năm qua mình đã dễ dãi như thế nào khi cấp phép nhập khẩu “muôn trùng” các loại phân bón hóa học, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc và “góp phần không nhỏ” đầu độc đất đai nông nghiệp, đầu độc nguồn nước thủy lợi, dẫn tới những sản phẩm nông nghiệp không sạch tràn ngập thị trường. Ngay Trung Quốc, nơi chuyên sản xuất phân hóa học và các loại thuốc “bảo vệ thực vật” độc hại bán cho Việt Nam, bây giờ đã đặt ra những hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt để ngăn những sản phẩm nông nghiệp “không sạch” của Việt Nam xuất sang nước họ, dù qua đường chính ngạch hay tiểu ngạch.
Như thế, nền nông nghiệp Việt Nam “phải tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng một chiến lược mang tầm quốc gia về việc kiên quyết dùng phân bón hữu cơ cho nông nghiệp, quyết vươn lên đạt bằng được chữ “sạch”, cứu lấy đất đai sông nước của mình. Bây giờ thì chúng ta biết, không dùng phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp là “tự ghè đá vào chân mình”. Điều này dù muộn để nhận thấy, nhưng muộn còn hơn không. Nhưng để từ bỏ thói quen rất xấu bao năm nay là dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật độc hại vô tội vạ, người sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải vượt qua những rào cản do chính mình dựng lên, để trở về với lối canh tác truyền thống từ bao đời của ông cha là dùng phân bón hữu cơ, là tránh xa các loại hóa chất độc hại ảnh hưởng xấu tới đất đai và nguồn nước thủy lợi, là tạo điều kiện cho các loại thiên địch sống lại, sinh sôi nảy nở để chúng diệt sâu bọ thay các loại thuốc trừ sâu độc hại.
Hóa ra, Việt Nam hiện tại không hề thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón sạch. Chỉ tính riêng ngành nông nghiệp hàng năm đã thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây bắp, mía, hơn 25 triệu tấn phân gia súc, gia cầm, 4,6 triệu tấn trấu, hơn 2,3 triệu tấn cám… Đây chính là tiềm năng phế liệu và nguyên liệu làm phân hữu cơ to lớn nhưng chưa được tận dụng hết.
Trong điều kiện hiện nay, hãy khoan tự hào về khả năng xuất khẩu 0,5 triệu tấn phân bón hữu cơ, mà hãy tập trung sử dụng phân bón hữu cơ cho ruộng đồng Việt Nam. Còn thừa thì hãy xuất khẩu. Vì cho tới bây giờ, phân bón hữu cơ vẫn chưa làm chủ được trên ruộng đồng Việt Nam.
Bây giờ thì lợi hại khi dùng loại phân bón nào, hữu cơ hay hóa học, đã rõ. Cần phải đặt ra những rào cản kỹ thuật khắc nghiệt nhất cho việc nhập phân bón hóa học cùng các loại hóa chất độc hại “phục vụ nông nghiệp” và mở cuộc vận động để toàn thể nông dân và những nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam dùng phân bón hữu cơ, dùng các chế phẩm sinh học không độc hại cho việc trừ sâu bọ. Phải đặt ra những thời hạn cụ thể để việc dùng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học lành mạnh trở nên phổ biến trên toàn quốc, không chừa một đám ruộng nào cho các loại hóa chất độc hại. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nói đến chữ “sạch” trong nền nông nghiệp Việt Nam. Và tiêu chuẩn cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu không chỉ dừng ở VietGAP mà phải tiến tới những tiêu chuẩn quốc tế được những quốc gia tiên tiến chấp nhận.
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm