Thời sự - Bình luận

Để vi phạm phòng dịch COVID-19, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Diễn biến đại dịch COVID-19 rất xấu, đặc biệt là ở các nước láng giềng và Ấn Độ, nguy cơ lây lan đến Việt Nam là rất gần, như lửa cháy ngang mày rồi.

Báo Lao Động sáng 25.4 đưa tin, 24 giờ qua Ấn Độ phát hiện thêm 340.000 ca nhiễm mới, Campuchia phát hiện trên 600 trường hợp nhiễm COVID-19. Ngay tại Lào, số nhiễm phát hiện được vượt qua số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam.

Ấn Độ đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Ấn Độ đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP


Đại dịch như “đại địch” lăm le tấn công vào biên cương, lãnh thổ nước ta.

Và chúng ta đã có một lời hiệu triệu, đó là Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23.4.2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là một mệnh lệnh chống “giặc”.

Cụ thể: “Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Xin lưu ý cụm từ “đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”.

Nói chống dịch, nhưng khi dịch bị bùng phát ở một địa phương, vậy thì ai chịu trách nhiệm nếu không phải là người đứng đầu. Phải quy trách nhiệm thì lãnh đạo các địa phương, bộ ngành mới tích cực đôn đốc phòng chống dịch, mới đi sâu, đi sát để nắm chắc diễn biến, tình hình trên địa bàn, khu vực, phạm vi mình lãnh đạo. Từ đó có biện pháp phòng dịch kịp thời và hiệu quả.

Điển hình nhất là quy định 5K, bắt buộc tất cả mọi người dân phải chấp hành, nhưng nếu không chấp hành thì do chính quyền tại địa phương đó lơi lỏng, không xử phạt, có “pháp” mà không “hành”.

Thử hỏi, ngay tại TPHCM, đã xử phạt được bao nhiêu người không đeo khẩu trang? Hãy cho câu trả lời để thấy, chính quyền có xử nghiêm các trường hợp vi phạm hay không. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô, thử hỏi có mấy người đeo khẩu trang, vậy chủ tịch phường, quận sở tại có biết không và chịu trách nhiệm thế nào? Còn các bãi biển, tụ điểm du lịch cả biển người ai quản ai phạt nếu không phải là chủ tịch các phường, xã, quận huyện sở tại?

Người đứng đầu cũng không chỉ nói tới khía cạnh chính quyền mà còn là người đứng đầu ở các cơ quan, doanh nghiệp... Nhìn lại các trường hợp gây lây nhiễm COVID-19, ví dụ như một nam tiếp viên hàng không, thì đương nhiên người đứng đầu của hãng hàng không đó phải chịu trách nhiệm. Hay như nhân viên của sân bay bị nhiễm COVID-19, thì người đứng đầu bộ phận đó phải chịu trách nhiệm. Bởi vì, lãnh đạo đã không quản lý tốt cấp dưới, để nhân viên của mình không thực hiện tốt 5K, nếu chấp hành tốt thì đã không bị nhiễm dịch.

Phải hiểu người đứng đầu không chỉ là ông quan đầu tỉnh, mà từ phường, xã, quận, huyện cho đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... nếu để người thuộc đơn vị mình quản lý, bị nhiễm dịch, đặc biệt là trong khi công tác, thì phải chịu trách nhiệm.

Không nói trách nhiệm chung chung, phải xử lý kỷ luật hoặc chế tài, tùy theo từng trường hợp cụ thể.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-vi-pham-phong-dich-covid-19-nguoi-dung-dau-phai-chiu-trach-nhiem-902289.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm