Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa báo cáo Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH việc giảm đóng các khoản bảo hiểm sẽ giúp DN bớt phần gánh nặng trong điều kiện khó khăn hiện nay. |
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trên cơ sở rà soát các nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng phương án giảm một phần tỉ lệ đóng có tính khả thi.
Cụ thể, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể giảm tỷ lệ đóng từ 1 % xuống 0,5 %, đối với quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tương ứng giảm thu khoảng 3.000 tỉ đồng/năm.
Tỉ lệ giảm tương tự đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với số tiền giảm khoảng 2.400 tỉ đồng. Tổng số tiền giảm do điều chỉnh tỉ lệ đóng ở 2 quỹ trên là khoảng 5.400 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, với tỷ lệ đóng 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì số chi trong năm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với số thu.
Riêng năm 2015, mức chi từ quỹ này chỉ khoảng 8%. Đặc biệt, tính đến hết năm 2015, số kết dư quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khoảng 26.000 tỉ đồng, bằng gần 60 lần số chi quỹ.
Đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng hiện nay quỹ này cũng có nguồn kết dư lớn, hiện tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là gần 49.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,9% so với năm 2014.
Từ những phân tích trên, Bộ khẳng định nếu được áp dụng số tiền được giảm sẽ là khoản hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện áp lực về nguồn chi lương nhân công, sản xuất và cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, nếu đề xuất trên được Chính phủ chấp nhận thì cần phải thực hiện sửa đổi điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau khi sửa đổi việc áp dụng mức 0,5 % sẽ được triển khai ngay chứ không đợi tới sang năm 2017.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết theo đánh giá của các chuyên gia, mức đóng các khoản bảo hiểm của doanh nghiệp, người lao động ở nước ta còn cao, vì vậy phải tính toán lại cho phù hợp.
“Trước mắt chúng ta giảm mức đóng các khoản bảo hiểm trên trong vòng 2 đến 3 năm, sau đó chúng ta tiếp tục theo dõi để điều chỉnh mức đóng hợp lý. Ở các nước cũng vậy, nếu số quỹ kết dư nhiều thì phải giảm tỉ lệ đóng xuống, quỹ chi nhiều họ tăng tỷ lệ đóng lên, đó là việc làm bình thường của các cơ quan quản lý nhà nước...”- ông Huân khẳng định.
Theo phapluat