Đề xuất mở rộng phạm vi hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài 5 tỉnh Tây Nguyên hiện đang được áp dụng chính sách hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số theo Quyết định 75/2010/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng chính sách này trên địa bàn 22 tỉnh khác nữa.
Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ có 27 tỉnh áp dụng chính sách trên gồm: Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 27 tỉnh trên là các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, 20 tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. 5 tỉnh Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Đak Nông, Tiền Giang, Trà Vinh có huyện tỷ lệ hộ nghèo cao theo Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và 2 tỉnh Tây Nguyên còn lại theo Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg là Đak Lak và Gia Lai.
Đối tượng được hỗ trợ là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do Nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (không bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn 27 tỉnh trên (gọi chung là đơn vị sử dụng lao động).
Thêm đối tượng được hỗ trợ tiền thuê đất
Các đơn vị sử dụng lao động trên sẽ được hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, định mức lao động và tiền thuê đất.
Về tiền thuê đất, Quyết định 75/2010/QĐ-TTg quy định: Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc tại đơn vị được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên thì được miễn 100% tiền thuê đất trong năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đòi hỏi lao động phải có tay nghề và trình độ kỹ thuật ngày càng cao dẫn đến lực lượng lao động trong doanh nghiệp bị hạn chế.
Một số doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số chiếm từ 20 đến 29% so với tổng số lao động có mặt làm việc tại đơn vị nhưng không được hỗ trợ tiền thuê đất. Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng từ 30% trở lên lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc tại đơn vị lại được giảm 50% hoặc miễn 100% tiền thuê đất trong năm, gây mất công bằng giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung đối tượng được hỗ trợ về tiền thuê đất. Cụ thể, đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 10% đến dưới 30% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc tại đơn vị được giảm 30% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm