Phóng sự - Ký sự

Đêm hoa đăng đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Nếu có ai hỏi chúng tôi cầu nguyện gì, điều đầu tiên và duy nhất mà đơn giản là ngày  trở về luôn được nhìn những người yêu quý nhất ra đứng đón, chúng tôi sẽ chạy tới ôm chầm lấy và khóc với tất cả nước mắt còn lại trên cơ thể mình"… Đó cũng chính là những lời tâm sự tận đáy lòng của hàng ngàn người có thân nhân tử vong vì COVID-19.
Ngày về vắng bóng người thương
Những ngày này, gió mùa xé ngang từng con phố, âm thanh ồn ã ngoài kia như muốn bóp nghẹt trái tim đã chẳng còn muốn thổn thức của rất nhiều người đang lạc lõng, chênh chao giữa cuộc đời, khi mà họ vừa trải qua nỗi đau mất mát quá lớn vì đại dịch COVID -19. 

Thịnh chịu tang mẹ ngay trong bệnh viện dã chiến.
Anh dân quân Lê Song Thịnh mất mẹ đúng ngày Vu Lan báo hiếu. Nỗi đau ấy không thể nào đong đếm được, cũng thật khó mà chôn vùi trong sâu thẳm đáy lòng, thật khó để nguôi ngoai trong nỗi nhớ. Thịnh tham gia đội tình nguyện phục vụ khu A Bệnh viện dã chiến số 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh từ những ngày đầu thành lập. Đúng ngày rằm tháng bảy, em nhận tin dữ khi đang làm nhiệm vụ, mẹ em mới ngoài 40 tuổi, đã ra đi chỉ sau vài ngày phát hiện và chiến đấu khốc liệt với những biến chứng quá nhanh của COVID -19.  Nhà Thịnh ở Quận 6, chỉ ở cách bệnh viện khoảng 15 cây số nhưng vì nhiệm vụ cấp bách chống dịch đã khiến em không thể về kịp để chịu tang và nhận tro cốt mẹ. Một bàn thờ được lãnh đạo bệnh viện lập ra ngay tại một góc tường của bệnh viện dã chiến để Thịnh thắp hương bái vọng mẹ.
Dịch giã căng thẳng, người Sài Gòn đã phải chứng kiến hàng ngàn những cảnh sinh ly tử biệt thương tâm như thế.
Từng là đứa trẻ ngày xưa mẹ ẵm bồng, yêu thương, nuông chiều và giờ đã là một dân quân lăn xả trọn vẹn ngày đêm cho cuộc chiến khốc liệt này, Thịnh còn nhiều hoài bão và ấp ủ báo hiếu mẹ, nhưng tất cả đã lỡ làng... Thịnh kiên cường và rắn rỏi, luôn vui vẻ nhiệt tình với đồng đội và mọi người xung quanh, nhưng khi đứng trước bàn thờ mẹ, em đã không kìm nén được cảm xúc, nước mắt ướt nhòe tấm khẩu trang, đau xót đến từng tế bào.
Có quá nhiều sự bơ vơ trống trải giữa cuộc đời, cho dù Thịnh lao vào công việc để khỏa lấp nó đi nhưng ẩn sâu bên trong vẫn là vẻ mệt mỏi đuối sức và nỗi nhớ nhà được giấu nhẹm một cách vụng về. Tự trấn an bản thân phải tiếp tục cố gắng, tiếp tục cống hiến, rằng ở nơi xa, luôn có người thương chờ ta về. Nhưng, qua cơn đại dịch, ai còn kịp chờ ta nữa…
Thịnh đã hoàn thành sứ mệnh của mình, trở về với công việc thường ngày của một anh dân quân đầy nhiệt huyết. Thịnh chia sẻ, cậu sẽ sống và làm việc thật tốt để ở nơi cao xa kia, mẹ sẽ mỉm cười an lòng về cậu con trai mạnh mẽ nhân từ. Hòa cùng với hàng ngàn gia đình mất người thân, đêm 19-11, Thịnh sẽ thắp nến thơm, thả hoa đăng và cầu nguyện cho hương linh của mẹ sớm được siêu thoát về cõi an lành.
Vững vàng trong mất mát
Thành phố vắng lặng ánh đèn màu và lặng thinh trên những con đường. Sợi giây kết nối tình thân trên thế gian vụt đứt, người ở lại chênh vênh với được mất cuộc đời. Ngày trở về từ bệnh viện dã chiến, chỉ còn một mình người đàn ông đơn độc, anh bần thần đứng cúi đầu cảm ơn nhân viên y tế đã tận tình cứu chữa cho anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần COVID-19. Anh còn sống để phải gặm nhấm nỗi nhớ thương tràn đầy về người vợ thân yêu và đứa con bé bỏng. Tất cả đã lặng lẽ ra đi…

Ngày trở về của người đàn ông chỉ còn một mình.
Anh tên là N.V.C, sinh năm 1985, ở trọ tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Vợ anh mang thai được gần 7 tháng, cả gia đình đều mắc COVID -19. Tại bệnh viện dã chiến, vợ anh có dấu hiệu chuyển dạ nặng và được chuyển lên tuyến trên tại bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị, hồi sức tích cực. Nhưng sáng ngày 31-7, vợ anh và đứa con trong bụng đều không qua khỏi. Biết tin, anh C. chết lặng, không còn nước mắt để khóc. Nỗi mất mát này ai thấu cho, anh C. bảo, giá như anh được chết thay cho vợ con, thì anh sẵn sàng chết một ngàn lần.
Người đàn ông nghèo khó, hiền lành, chất phác bỗng chốc trở nên lầm lì, u sầu và thống thiết. Mọi người động viên an ủi anh rất nhiều, rằng hãy ráng đứng lên làm bờ vai cho đứa con còn lại. Nó mới 5 tuổi, chưa nhận thức để hiểu cảm giác mồ côi mẹ, nên nó cần có cha bên cạnh. Anh phải sống, nhất định phải sống.
Thương anh, ngày về đã có nhiều người, cả bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế dúi cho anh chút tiền làm lộ phí. Còn anh C. lại òa khóc…
Trong ánh nắng chiều muộn heo hắt bị che phủ bởi những đám mây đen đìu hiu, ông trời thật biết phụ họa lòng người ủ dột theo một cách rất trầy xước, người đàn ông lầm lũi cúi đầu sâu cảm tạ tấm lòng của y bác sĩ, rồi lê từng bước dài nặng trĩu ra chuyến xe về lại với những hình bóng cũ quá đỗi thân thương, nay đã chớp mắt vụt khỏi bàn tay.
Bao yêu thương chưa kịp nói
Mỗi câu chuyện chia ly trong từng khoảnh khắc đều là niềm đau như vết cắt. Chưa bao giờ cuộc đời lại mong manh đến thế, cũng chưa bao giờ, cảnh giã biệt nhân gian lại nhanh hơn cả một lời thảng thốt. Bao nhiêu yêu thương chưa kịp nói, rất nhiều dự định chưa kịp làm.

Phút giây lắng lòng tưởng niệm nạn nhân tử vong vì COVID-19.
Ký ức về ngày cuối cùng được nắm bàn tay của mẹ vẫn luôn là điều gì đó nhức nhối trong lòng của Anh Thư, cô bé chỉ vừa qua cái tuổi 18 tròn đầy. Cả nhà Anh Thư gồm bà ngoại, mẹ và hai đứa con không may cùng dương tính với COVID -19. Bà ngoại là đối tượng nguy hiểm nên được chuyển ngay tới bệnh viện hồi sức còn ba mẹ con Anh Thư  đi bệnh viện dã chiến. Người mẹ hai ngày đầu còn khỏe, vẫn sốt sắng chăm sóc hai đứa con. Qua được ngày thứ 3 thì chị hết gồng nổi, thở nặng nhọc dần dù bác sĩ đã hội chẩn, hỗ trợ nâng cấp từng mức điều trị: oxy, thở máy không xâm lấn, rồi đến đặt luôn ống giúp thở và liên hệ tích cực để chuyển bệnh viện tuyến trên kịp thời cho bệnh nhân.
Bà mẹ như sợ sẽ không còn thời gian để nói lời vĩnh biệt, Thư nhớ rõ ánh mắt mọng nước của mẹ khi nhìn hai đứa con ở lại. Thư lao tới nắm bàn tay khô ráp của mẹ, liên tục động viên mẹ cố gắng.
Chuyến xe hối hả từ Bình Chánh qua  Bệnh viện Quân y 175, Quận Tân Bình không quá xa, nhưng vẫn quá dài để bác sĩ cảm nhận đau thương. Đôi mắt người mẹ đuối sức nhắm nghiền nhưng vẫn sõng soài hai dòng nước mắt và cái nắm chặt tay vịn vào đùi bác sĩ đang cố gắng bóp bóng đều tay, canh cho chị từng nhịp thở xuyên suốt chuyến đi, như thay lời cầu khẩn tha thiết của một bà mẹ tuyệt vọng gửi đến các cô bác, rằng khi trở về hãy chăm sóc thật tốt cho hai đứa con của chị. Hai lá phổi bị virus tấn công xấu nhanh và nguy kịch tiến triển khó lường, rồi cuộc hứa hẹn đưa cả nhà đi du lịch sau dịch của mẹ với các con chỉ còn trong câu chuyện được kể về một thời gian khủng hoảng nhất của Sài Gòn.
Hỏi hai chị em có ước nguyện gì khi thắp nến tưởng nhớ về cha mẹ, bé L.Đ.H., 7 tuổi hồn nhiên trả lời: “Con muốn ba mẹ và ông nội trở về với con”. Chừng như hiểu câu nói khờ dại của em, L.N.K.N, 13 tuổi nhanh nhảu sửa: “Ba mẹ và ông chết rồi làm sao quay lại, cầu cho linh hồn ba mẹ sớm lên trời và phù hộ cho chúng con”.

Hai chị em bé N. được đón về Đồng Nai sống cùng ông bà ngoại.
Đã từng có một cuộc sống êm ấm, sum vầy đầy ắp tiếng cười tại căn hộ chung cư ở Quận 10, TP Hồ Chí Minh trong những ngày dịch bệnh chưa quét qua. Trong gia đình có ông nội, ba mẹ và hai đứa con xinh xắn, đáng yêu. Nhưng thảm cảnh xảy ra khi cả nhà thành F0. Ba và mẹ trở nặng và mất cách nhau một ngày, ba ngày sau ông nội mất (bà nội hai em đã mất từ lâu rồi). Sự ra đi quá đột ngột của người lớn khiến hai đứa trẻ bơ vơ, chúng hoảng sợ đến mức không còn khóc được nữa.
Hai chị em được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4, Phòng Công tác xã hội Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố đã liên hệ bà ngoại ở Đồng Nai, hỏi thăm hoàn cảnh, an ủi và động viên bà ngoại đón 2 bé về sau chuỗi ngày điều trị ổn định và xét nghiệm PCR COVID -19 âm tính. Ông bà ngoại còn 4 người con cùng chung sống và chưa có gia đình, điều kiện tuy không dư dả nhưng ông bà ngoại vẫn dốc lòng đón cháu về chăm sóc, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chỉ mong bù đắp tình yêu thương và thiệt thòi khi chúng không còn cha mẹ trên cuộc đời.
Thằng bé út có thể sẽ không bao giờ nhớ mặt cha mẹ  vì còn quá nhỏ. Ngày về với ông bà ngoại, bé vẫn đang nắm chặt những gì còn lại, một chiếc gối, một bức ảnh có đầy đủ thành viên gia đình. Mất mát quá lớn, quá sớm, nhưng may mắn hai chị em trở về vẹn toàn trong vòng tay thân yêu, rộng mở và bao dung của những người thân còn sót lại.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố đã cướp đi sinh mạng của  hơn hai vạn đồng bào và cán bộ, chiến sĩ. Đây là tổn thất và mất mát vô cùng to lớn. Mong muốn xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do COVID-19, cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát, đồng thời lan tỏa tình nhân ái yêu thương, tiếp tục động viên khích lệ tinh thần các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương liên quan trong cả nước đã tổ chức Lễ tưởng niệm cho đồng bào và cán bộ, chiến sĩ cả nước đã tử vong, hy sinh vì dịch COVID-19.
Đúng 20h ngày 19-11, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt thỉnh chuông và thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh. Điện trong những tòa chung cư, nhà dân trong các con hẻm, khu dân cư tại TP Hồ Chí Minh đồng loạt vụt tắt để thay bằng ánh nến tưởng nhớ hơn 20 ngàn nạn nhân của COVID-19 đã lặng lẽ ra đi với nỗi đau thương ngút trời trong lòng người thân ở lại. Tưởng niệm nạn nhân COVID-19 là điều cần phải làm, để nhắc nhớ một cuộc chiến đấu lịch sử trước đại dịch và để cho những người còn sống yêu thương và trân quý nhau hơn trong cuộc đời này.
Ngọc Hoa (cand.com.vn)
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/dem-hoa-dang-dac-biet-i635612/

Có thể bạn quan tâm