(GLO)- Những câu chuyện về lỗi lầm đã gây ra, những câu hỏi đau đáu nỗi niềm của từng phạm nhân tuổi đời chưa tròn đôi mươi cùng chia sẻ của những người làm chương trình “Niềm tin cuộc sống” dành cho các phạm nhân trong độ tuổi thanh-thiếu niên đã làm cho không khí tại hội trường Trại giam Gia Trung của Bộ Công an (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) trở nên ấm áp tình người hơn bao giờ hết, mặc cho ngoài trời từng cơn mưa xối xả và những cơn gió lạnh kéo về.
“Niềm tin cuộc sống” là chương trình tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên nhằm giúp họ nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải tỏa tâm lý giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống và đặc biệt giúp các phạm nhân không tái phạm tội sau khi chấp hành xong án. Chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Trại giam Gia Trung tổ chức.
Các phạm nhân lắng nghe tư vấn viên giải đáp các thắc mắc. Ảnh: Nguyễn Giang |
Trong suốt thời gian chương trình diễn ra, đã có rất nhiều câu hỏi của các phạm nhân khiến Ban tổ chức rất xúc động. Phạm nhân Huỳnh Văn Phi đặt câu hỏi như một lời tâm sự: “Tôi muốn hỏi tổ tư vấn, sau này khi tôi chấp hành xong án thì tuổi của tôi đã lớn rồi nhưng tôi muốn được nhập ngũ đi bộ đội có được không? Từ thuở bé tôi đã ước mơ làm một anh lính để đóng góp một chút công sức cho đất nước. Hồi bé tôi đã rất ngưỡng mộ chú tôi vì ông là một anh bộ đội có lòng yêu thương dân làng và yêu thương cả những cậu bé như tôi… Nhưng tôi nghe nói những người có tiền án tiền sự rồi thì không được đi bộ đội nữa nên tôi rất buồn”. Tổ tư vấn đã giúp phạm nhân Huỳnh Văn Phi giải đáp những thắc mắc một cách tỉ mỉ, rõ ràng và phạm nhân Huỳnh Văn Phi hoàn toàn có thể tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ về một anh Bộ đội Cụ Hồ nếu sau khi chấp hành xong án tuổi của anh không vượt quá số tuổi theo quy định của Luật Nghĩa vụ Quân sự.
Ngoài ra, tổ tư vấn và những người làm chương trình cũng đã được lắng nghe rất nhiều tâm tư, tình cảm của các phạm nhân. Nhiều phạm nhân bày tỏ sự hối hận, cảm thấy có lỗi với người cha đã khuất, người mẹ bệnh tật mang nhiều nỗi đau tinh thần… Đa số, các phạm nhân đều lo lắng sẽ bị gia đình, bạn bè hắt hủi, xã hội kỳ thị sau khi chấp hành xong án tù, họ lo lắng sẽ không được người thân tha thứ cho những lỗi lầm mà họ đã gây ra, sẽ xa lánh và coi họ như người dưng sau khi trở về…
Phạm nhân đặt câu hỏi cho tổ tư vấn. Ảnh: Nguyễn Giang |
Ông Mai Văn Quý-Thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã xuống rất gần với các phạm nhân để nói cho họ hiểu rằng: “Gia đình là nơi không bao giờ quay lưng lại với các bạn. Dù rất giận vì những lỗi lầm các bạn đã gây ra nhưng gia đình luôn dang rộng vòng tay đón các bạn trở về và mong muốn các bạn có một cuộc sống tốt đẹp. Có thể một bộ phận bạn bè, một bộ phận rất nhỏ trong xã hội kỳ thị các bạn nhưng đó có thể là một động lực để các bạn thay đổi, để làm lại từ đầu để họ có một cái nhìn tích cực về các bạn và chấp nhận các bạn là một công dân bình thường như bao người”.
Phạm nhân Võ Thanh Thủy (18 tuổi, quê An Giang) đã chấp hành án tại Trại giam Gia Trung 2 năm nay và chỉ còn hơn 2 tháng thụ án nữa là được về nhà xúc động chia sẻ: “Em rất mừng vì được xem xét cho tham gia chương trình này. Đây là một chương trình rất bổ ích, đặc biệt cho những phạm nhân sắp chấp hành xong án như em. Em đã hiểu thêm nhiều về những quy định của pháp luật để tránh tái phạm tội. Chương trình cũng đã giúp em đỡ mặc cảm, thấy tự tin hơn và sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án trở về với gia đình”.
Nguyễn Giang