Phóng sự - Ký sự

Đến Côn Đảo là về nguồn, truyền cảm hứng cho tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Côn Đảo luôn khắc sâu vào tâm khảm của những cựu tù bị địch giam cầm, chứng tích còn đó, nỗi đau còn chưa nguôi, Côn Đảo linh thiêng anh hùng trong lòng người Việt. Giải Tiền Phong Marathon 2022 đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tương lai.
Côn Đảo hôm nay náo nhiệt, khoác lên màu áo mới, trái ngược với biệt danh một thời máu lửa - Địa ngục trần gian.
“Theo dấu chân huyền thoại” - thông điệp của giải Tiền Phong Marathon 2022. “Trước hết là một giải VĐQG, nhưng Tiền Phong Marathon 2022 còn là sự kiện về nguồn, sự kiện tri ân, sự kiện truyền cảm hứng cho tương lai”, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn - Đồng Trưởng ban tổ chức đã chia sẻ như vậy. Nằm trong chuỗi sự kiện đó, đại diện Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2022 và đại diện nhà tài trợ kim cương (đoàn công tác) đã đến thăm 3 cựu tù Côn Đảo, hiện đang sinh sống trên đảo.
Tri ân huyền thoại
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Ước (sinh năm 1940) nằm sâu trong khu dân cư rộn ràng tiếng cười nói. Niềm nở đón khách, ông bảo có đoàn khách Tiền Phong Marathon tới thăm, chỉ một lần thôi nhưng ông còn nhớ tên từng người. Nghe câu chuyện ông kể về chuỗi ngày tháng bị địch tù đày làm ai cũng khâm phục. Bên trong con người gầy yếu ấy là cả trái tim luôn nặng tình với Côn Đảo, kiên trung với cách mạng.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn - Đồng Trưởng ban tổ chức giải Tiền Phong Marathon 2022, cùng đại diện nhà tài trợ kim cương thăm hỏi, tặng quà cựu tù Côn Đảo Nguyễn Văn Ước.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn - Đồng Trưởng ban tổ chức giải Tiền Phong Marathon 2022, cùng đại diện nhà tài trợ kim cương thăm hỏi, tặng quà cựu tù Côn Đảo Nguyễn Văn Ước.
Ông kể, năm ông 15 tuổi thì được giác ngộ cách mạng và làm liên lạc. Dù trẻ tuổi nhưng khi được chi bộ giao từng lá thư mật thì ông vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Bao nhiêu thư tín mà ông chuyển đi, ông cũng không còn nhớ nữa. “Nhiều lắm”, ông cười nói. Hoạt động cách mạng đến năm 19 tuổi, chàng liên lạc trẻ bị địch tập kích và bị bắt. Kể từ năm 1959 đến năm 1975 là quãng thời gian ông bị địch giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Dù trong chốn lao ngục của đế quốc và tay sai nhưng suốt 16 năm đằng đẵng, chàng trai trẻ vẫn kiên cường, bất khuất.
“Ở trong tù, bọn quản ngục hành hạ đủ kiểu, dùng đủ loại cực hình, cơm khô trộn nước lã cũng ngon lắm rồi. Gian khổ, nỗi đau thể xác do bọn chúng gây ra là chuyện thường ngày. Nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ lung lay ý chí, kiên định đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi ra tù và trở về quê hương. Tuy nhiên, Côn Đảo luôn khắc sâu trong tâm khảm, tôi trở lại nơi này, cùng đồng đội là những cựu tù bảo vệ, xây dựng đảo. Tôi từng làm biên phòng, công an, giao thông vận tải… cho đến khi về hưu vẫn tham gia các hoạt động của địa phương. Cuộc sống nay đủ đầy, 5 đứa con cũng đã yên bề gia thất”, ông Nguyễn Văn Ước chia sẻ.

Nhà báo Lê Xuân Sơn cùng đại diện nhà tài trợ trao quà tri ân cựu tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Viên.
Nhà báo Lê Xuân Sơn cùng đại diện nhà tài trợ trao quà tri ân cựu tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Viên.
Rời nhà ông Nguyễn Văn Ước, đoàn công tác của giải Tiền Phong Marathon 2022 đến thăm nhà ông Nguyễn Xuân Viên (sinh năm 1944). Căn nhà nhỏ nằm giữa thị trấn Côn Đảo, gọn gàng và ấm cúng là cảm nhận chung của mọi người khi bước chân vào. Ấm trà đã được bà Nguyễn Thị Tư (vợ ông Viên) chuẩn bị sẵn. Dù đã đến tham quan di tích quốc gia đặc biệt - nhà tù Côn Đảo và đọc qua sách, báo nhưng khi nghe chính cựu tù kể lại là một cảm giác khác biệt. Các ông là huyền thoại Côn Đảo bất tử trong mỗi người dân Việt Nam.
“Khoảng năm 1969, tôi và nhiều người khác bị đày ra Côn Đảo, chúng tôi bị còng tay, còng chân, bịt mồm, bịt miệng, ói mửa, ngủ chung dưới hầm tàu. Ra đến nơi thì nó tống vào 'chuồng cọp'. Những người không theo bị nó hành hạ, nhịn đói nhịn khát. Nó đánh đập suốt, hoặc tạo cớ đánh đập. Ở trong 'chuồng cọp' khi nghe mở cửa, tưởng nó cho ra tắm nắng. Nhưng bọn nó hỏi bữa nay ngày mấy, có nhớ không? Nếu nhớ nó cũng đánh, mà không nhớ nó cũng đánh. Chỉ là bọn chúng kiếm cớ. Chúng tôi ở trong 'chuồng cọp' miết, có biết mặt trăng, mặt trời, ngày tháng gì đâu. Cực hình thì không thể kể xiết, hành động của bọn đế quốc và tay sai là vô nhân tính. Tôi ở cả 'chuồng cọp Mỹ', 'chuồng cọp Pháp', đến tận ngày cuối cùng. Côn Đảo được giải phóng, chúng tôi cũng không hay, chỉ khi tiếng hoan hô vang tận đến phòng bên thì mới tường tận”, ông Viên kể.
Trong các cuộc trò chuyện, tặng quà tri ân ba cựu tù, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn giới thiệu về giải Tiền Phong Marathon 2022, về quy mô, thông điệp truyền tải. Các cựu tù vui mừng, ủng hộ và mong muốn BTC sẽ thường xuyên tổ chức giải tại huyện Côn Đảo. Cụ Nguyễn Thị Ni nhắc nhở: “Hoạt động thắp nến tri ân trong chuỗi sự kiện của giải, nhớ đến đón bà nhé”.
Nghẹn ngào cựu tù thăm lại buồng giam
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn dìu bà Nguyễn Thị Ni (sinh năm 1939) thăm nhà tù Phú Hải, nơi bà từng bị địch giam cầm. Bước qua cổng, bà chỉ ngay về dãy nhà bên trái và nói: “Phòng cuối là phòng số 6, đó là phòng mà tôi và các chị em khác bị bọn chúng giam giữ”. Tuổi cao, sức yếu nhưng bà Ni vẫn rảo bước nhanh hướng căn phòng. Sợ bà ngã, ông Sơn nắm chặt tay bà và đỡ lên bậc tam cấp.

Nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ni thăm lại nhà tù Phú Hải nơi bà từng bị địch giam giữ.
Nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ni thăm lại nhà tù Phú Hải nơi bà từng bị địch giam giữ.
Vừa bước vào phòng, bà Ni rưng rưng cất tiếng “Chào các anh! Ôi khổ thế này, bọn chúng đánh đập các anh thế này à? Thương quá!”. Dãy tượng sáp in hằn khắc khổ, bao quanh bốn bức tường ngăn cách không gian bên ngoài khiến căn phòng trở nên lạnh lẽo, hiu quạnh. Bàn tay run run, bà Ni sờ lên “vết thương” trên bàn chân, bàn tay tượng sáp, nghẹn ngào nỗi đau vốn khắc sâu. Những người có mặt trong căn phòng xúc động lặng im nghe bà nói. Sờ lên mái tóc của một tượng sáp, bà thủ thỉ “tóc giả à? ơ thế mà tưởng thật”…
Chống tay vào bậc dài giường bằng bê tông trơ nhẵn, bà Ni nhắm nghiền đôi mắt hồi tưởng. Dạo mắt khắp căn phòng, bà Ni nhớ lại: “Tôi bị giam cầm ở căn phòng tập thể này, không chăn, không chiếu. Đồ áo rách nát theo ngày tháng, bọn chúng cũng chẳng phát gì. Cơm mặn đắng, nước uống chắt chiu. Dịp mùng Một Tết, chúng khiêng vào thùng cơm đầy. Ai cũng mừng nhưng không ngờ chỉ có một lớp mỏng, bên dưới là cát. Có một chị không kịp ăn, đói bụng quá, chị khóc la suốt đêm. Sau đó, mỗi khi có cơm, chị em nhường nhau từng xíu... Khi nghe tin, ba chị mà tôi biết ở bên trại 4 đã hi sinh đó là chị Thanh, chị Hương, chị Cúc. Tôi nổi dậy thì bị bọn nó đàn áp bẻ tay, bẻ chân, đánh đập”.

Bà Ni hát bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi đổi thay của huyện Côn Đảo.
Bà Ni hát bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi đổi thay của huyện Côn Đảo.
Không khí trầm buồn, bà Nguyễn Thị Ni bỗng đứng dậy như từ quá khứ về lại thực tại. Bà nói, thời trẻ bà hát hay, bà thuộc nhiều bài hát cách mạng, hai vợ chồng còn sáng tác bài hát ca ngợi Đảng, sự đổi thay của Côn Đảo sau ngày giải phóng. Rất nhanh, bà cất lên tiếng hát, câu nhớ, câu quên nhưng ai cũng chăm chú nhẩm theo lời bà… ánh nắng le lói qua ô cửa nhỏ chiếu vào phòng.
Theo Cảnh Huệ - Trường Phong - Trọng Tài (TPO)
https://tienphong.vn/den-con-dao-la-ve-nguon-truyen-cam-hung-cho-tuong-lai-post1426013.tpo

Có thể bạn quan tâm