Đến Hội An, đừng quên ghé thăm làng gốm Thanh Hà 500 năm tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những gì còn lại ở làng gốm hơn 500 tuổi này vẫn là một minh chứng sống động về một nghề thủ công đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ ở Hội An.
 

 

Làng gốm Thanh Hà nằm bên sông Thu Bồn, cách khu phố cổ Hội An 3 km về phía tây, có nguồn gốc từ Thanh Hóa, được hình thành từ cuối thế kỷ 15; tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng và đã phát triển rực rỡ vào thế kỷ 16, 17 cùng đô thị Hội An. Gốm Thanh Hà từng là một mặt hàng được mua bán trao đổi khắp các tỉnh miền trung.
 

 

Miếu thờ Thành Hoàng làng gốm Thanh Hà. Gốm Thanh Hà trên xứ Quảng, có nguồn gốc từ Thanh Hóa đã có trên 500 năm tuổi. Làng gốm Thanh Hà cùng với các làng nghề khác như làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế… tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế thương mại của đô thị và cảng thị Hội An.
 

 

Gốm Thanh Hà nguyên gốc có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men; đây là một nét riêng, nét duyên của gốm Thanh Hà. Các sản phẩm truyền thống của Thanh Hà đa phần là để phục vụ đời sống như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ… và gạch ngói sử dụng trong xây dựng. Về sau, khi đô thị Hội An suy thoái, không còn là thương cảng chính của miền trung nữa thì làng gốm Thanh Hà cũng bị ảnh hưởng, nghề gốm cũng mai một dần. Ảnh: Phương thức sản xuất truyền thống và cho sản phẩm truyền thống là những vật dụng tròn, được làm từ bàn xoay thủ công. 500 năm qua cách làm này vẫn không thay đổi.
 

 

Trong xu hướng phục hồi để bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch, gốm Thanh Hà hướng tới các sản phẩm mỹ nghệ - lưu niệm. Cùng với các sản phẩm cũ như nồi, niêu, chén, bát, bình, hũ… những người làm gốm ở Thanh Hà sản xuất các loại tượng mỹ nghệ, phù điêu, con giống, đồ trang trí… Hiện nay ở Thanh Hà có khoảng 20 hộ làm gốm nhưng thực ra chỉ có 4 hộ sản xuất có tính quy mô kinh doanh, có lò nung lớn; các hộ còn lại chỉ có lò nung nhỏ, chỉ nung được các đồ gốm mỹ nghệ lưu niệm rất nhỏ như các con giống đồ chơi. Ảnh: Lò nung gốm cũng vẫn được đốt bằng củi như thế kỷ 15.
 

 

Đất sét nguyên liệu hiện được lấy từ huyện Điện Bàn cách Thanh Hà 15km, chở về bằng đường sông.

Nhào đất là một công đoạn quan trọng trong quá trình làm gốm. Để nhào 1m3 đất sét làm gốm, một người đàn ông làm phải mất 2 ngày đêm.  
 

 

Những người làm gốm Thanh Hà hay kết hợp thành một cặp trong quá trình sản xuất. Một người ngồi chuốt gốm trên bàn xoay, người kia đứng, tay nhào đất và chân đạp bàn xoay.
 

 

Chuốt gốm - tạo dáng. Đây là nghệ thuật làm gốm, là tinh hoa và linh hồn của gốm Thanh Hà. Những sản phẩm gốm được tạo hình qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân chính là ở công đoạn này. Tất cả dựa trên cảm giác và kinh nghiệm của người làm gốm, không có một khuôn thước định lượng nào.
 

 

Những sản phẩm sau khi chuốt xong được phơi khô trước khi đưa vào lò nung. Sản phẩm chính của gốm Thanh Hà truyền thống là những đồ gia dụng như chén, bát, nồi, chum, vại, bình, lọ…
 

 

Trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển du lịch ở Hội An nói chung và Thanh Hà nói riêng, làng gốm sản xuất thêm cả những sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; mở rộng thị trường và phục vụ du khách. Để đáp ứng nhu cầu sản phẩm đó, đã có những cách thức sản xuất mới bên cạnh cách dùng bàn xoay truyền thống. Ảnh: Anh Hoàng Thành Truyền (cơ sở gốm Lê Quốc Tuấn) đang tạo mẫu trên chất liệu thạch cao. Đây là mẫu dương bản; mẫu này là cơ sở tạo mẫu âm bản để sản xuất gốm theo cách thức đổ khuôn với chất liệu đất sét thật nhão.
 

 

Phù điêu mới được dỡ khuôn.
 

 

Chùa Cầu, một trong những sản phẩm lưu niệm phổ biến ở làng gốm Thanh Hà.
 

 

Một phương thức gốm mới là cách làm như điêu khắc. Cách này được thực hiện với những sản phẩm rỗng, nhiều lỗ khó tạo khuôn; hoặc các sản phẩm đòi hỏi chi tiết tinh tế. Ảnh: Chị Nguyễn Thị Hậu (Cơ sở gốm Ngụy Trung) cho biết: Hiện nay đa phần các hộ làm gốm làm những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ, nên nếu làm những sản phẩm truyền thống có kích thước lớn như chum vại, hầu như không có người làm được.
 

 

Đèn gốm mỹ nghệ được bán nhiều ở thị trường trong nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, và phục vụ cho chính Hội An ở các công trình nhà hàng, khách sạn, quán xá…
 

 

Nhiều cửa hàng bán đồ gốm mỹ nghệ ở Thanh Hà có bày sẵn bàn xoay gốm để biểu diễn cho khách, và cũng là để khách “thử sức” với nghề gốm.
 

 

Hai bạn trẻ là sinh viên đi du lịch đang tự làm sản phẩm kỷ niệm.
 

 

Năm 2016, Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà, với nhiều hạng mục như: bảo tàng gốm, khu mô hình đất nung, nhà trưng bày, trại sáng tác… được hoàn thành, trở thành một điểm nhấn của làng gốm Thanh Hà, thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan và chiêm ngưỡng; cũng là một động lực thúc đẩy sự hồi sinh của làng gốm cổ.

CTV Hà Thành/VOV

Có thể bạn quan tâm