Đến Kazan không chỉ vì World Cup

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bất kỳ ai ghé qua Kazan hẳn cũng đều “tan chảy” bởi nét hiền hòa, dịu dàng của vùng đất này.

Đón chúng tôi tại sân bay, hai cô gái Kazan trong trang phục truyền thống đã cầm sẵn trên tay món bánh chak-chak thơm phức mùi mật ong – đặc sản của vùng đất này. Chúng tôi nếm một miếng bánh nhỏ để đáp lại lòng hiếu khách của họ. Vỏ bánh giòn rụm, ngọt lịm nhưng không quá gắt, nếu thích còn có thể ăn kèm vài loại trái cây. Năm 2005, trong dịp kỉ niệm thành phố tròn 1000 tuổi, các cư dân Kazan đã làm ra một chiếc bánh chak-chak với trọng lượng 1 tấn và được ghi nhận vào sách kỉ lục Guiness.
 


 

Đường phố Kazan mang đậm màu sắc của những quốc gia Tây Âu.



Không náo nhiệt như Moscow, cũng không trầm lắng như Volgograd, nhịp sống Kazan cứ thế hiền hòa. Những con đường nơi đây được lát gạch tao nhã, tô điểm bởi những chậu hoa bên thềm cửa sổ, phảng phất chút gì đó lãng mạn của Paris. Ngay cả những chú bồ câu cũng ung dung rảo bước cùng dòng người.

 

Cách Kazan đón tiếp nồng hậu những du khách đặt chân tới sân bay.



Với bề dày hơn nghìn năm lịch sử đan xen giữa hai nền văn hóa Nga và Tatar, nét đặc sắc của Kazan nằm ở các địa danh đậm chất tôn giáo. Nổi bật trong số đó là nhà thờ Hồi giáo Kul Sharif thuộc quần thể kiến trúc Kremlin Kazan. Hai gam màu xanh dương và trắng mát mắt tuy đơn giản nhưng vẫn tạo nên vẻ đẹp tráng lệ cho cả công trình vốn là niềm tự hào của thành phố hạ lưu sông Volga. Không gian bên trong với những đường nét kiến trúc sắc sảo khiến tất thảy du khách bước tới đây đều không khỏi xuýt xoa, trầm trồ.

 

Kul Sharif – Nhà thờ Hồi giáo đồ sộ nhất của châu Âu.



Ngọn núi Zilant cũng là một địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm Kazan. Nơi đây được người dân địa phương xem là vùng đất huyền thoại nhất xứ sở Tatarstan. Zilant là tên của một sinh vật giống rồng, là vua của các loài rắn và là đấng bảo hộ của người dân Kazan.

Kazan trong mắt tôi đẹp tới cuối hành trình. Vào buổi chiều cuối cùng ở nơi đây, trời đã đổ mưa tầm tã, đoàn chúng tôi đến nhà hàng Tatarskaya Usadba tọa lạc tại trung tâm thành phố để khép lại ngày dài bằng một bữa tối ấm cúng với món thịt tổng hợp, salad rau củ và những giỏ bánh mì lúa mạch đen – những món ăn vô cùng quen thuộc với người dân Nga.


 

Những món ăn truyền thống nước Nga trong bữa ăn cuối cùng của tôi ở Kazan.



Ngày tôi đến đây cũng là thời điểm nhà hàng vừa hoàn tất việc trang trí chào đón World Cup. Từ một tấm background khổ lớn với lời chào từ Kazan cho tới một bàn tiệc bánh trà truyền thống bổ sung thêm mô hình cúp vô địch, tất cả đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Lịch thi đấu cũng được dán khắp nơi trong nhà hàng, và cổ động viên nào đến đây trong mùa World Cup còn được tặng miễn phí những tấm bản đồ du lịch.

Những bài tình ca Kazan cứ nhẹ nhàng ngân vang cho tới khi chúng tôi kết thúc bữa tối. Trước khi chúng tôi rời đi, cô phục vụ còn kịp thì thầm vào tai tôi vài lời bằng tiếng Nga, đại ý rằng, hi vọng Kazan đã đối tốt với tất cả mọi người và mong tới ngày gặp lại.


 

Một góc thành phố Kazan.

– Từ Moscow, có tới 3 cách thức di chuyển đến Kazan để bạn tùy chọn: 1. Đường hàng không: sân bay quốc tế Kazan nằm cách trung tâm thành phố 30km về phía Đông Nam; 2. Tàu điện: chi phí khá rẻ; 3. Đường thủy: giá vé từ 6USD/người trở lên (tùy hãng tàu) và đi mất khoảng 2 tiếng.

– Từ sân bay Kazan vào tới trung tâm thành phố, du khách có thể lựa chọn taxi (khoảng 9USD – tầm 210.000VND) hoặc đi tàu (với mức giá khá rẻ 3USD/người, khoảng 70.000VND). Thời gian di chuyển bằng tàu mất khoảng 20 phút, tuy nhiên, cứ cách 2 tiếng mới có một chuyến.


Dĩ nhiên rồi, hẹn gặp lại Kazan, và cả nước Nga xinh đẹp, mến khách. Nhất định, trong một ngày không xa!

Vietkhoa (dep)

Có thể bạn quan tâm